Thông tin cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 4, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 931 triệu USD và nhập khẩu từ “Xứ sở Bạch Dương” là 592 triệu USD.
4 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga tăng trưởng ở mức cao đạt hơn 23,3%, tương đương con số tăng thêm gần 180 triệu USD so với cùng kỳ 2018.
Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 441 triệu USD, chiếm tới 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước sang thị trường này trong cùng thời điểm, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2018.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác có mức tăng trưởng ấn tượng tại quốc gia lớn nhất thế giới có thể kể đến như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may… Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 102,6 triệu USD, tăng tới 86,5%; dệt may đạt 65 triệu USD, tăng mạnh 86%.
Trong 5 năm gần đây (2014-2018), kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga tăng từ hơn 1,7 tỷ USD lên gần 2,45 tỷ USD, tăng khoảng 42%. Theo thống kê, xuyên suốt trong trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam những năm vừa qua, nhóm hàng điện thoại và linh kiện luôn giữ vai trò chủ chốt, có yếu tố quyết định nhất trong sự biến động về tăng trưởng xuất khẩu sang đối tác thương mại lớn ở châu Âu này.
Ngoài điện thoại và linh kiện, nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng có sự chiếm lĩnh ở thị trường Liên bang Nga khá tốt. 5 năm qua, kim ngạch nhóm hàng này đã tăng từ 124,3 triệu USD năm 2014 lên 228 triệu USD vào năm ngoái, tăng tới 83%.
Sự đóng góp của 2 nhóm hàng công nghệ kể trên vào kim ngạch xuất khẩu sang Liên bang Nga là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá lớn vào kim ngạch của số ít nhóm hàng cũng cho thấy nguy cơ thiếu ổn định trong duy trì tốc độ tăng bền vững đối với hoạt động xuất khẩu nước ta nếu 2 nhóm hàng chủ lực này có biến động.
Trong khi đó, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực mà nước ta có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê… vẫn chưa có được sự đột phá trong tăng trưởng ở thị trường rộng lớn này.
Dù những tháng đầu năm 2019, xu thế tăng trưởng nhập khẩu từ Liên bang Nga sụt giảm, nhưng nhìn rộng ra cả giai đoạn 5 năm gần đây, quốc gia này lại đạt được sự tăng trưởng rất mạnh trong xuất khẩu hàng hóa sang nước ta.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đã tăng từ 826,8 triệu USD trong năm 2014 lên 2,131 tỷ USD vào năm ngoái, tăng tới gần 158%, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn này chỉ tăng 42%. Điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga gấp tới gần 3 lần tốc độ tăng xuất khẩu của nước này.
Có thể thấy, 5 năm gần đây hàng loạt các nhóm hàng xuất khẩu từ nước bạn đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Việt Nam như lúa mì, than đá, sắt thép… Trong đó, lúa mì tăng từ gần 16,4 nghìn tấn, kim ngạch hơn 5 triệu USD lên hơn 2,9 triệu tấn, kim ngạch 656 triệu USD vào năm ngoái, tăng tới gần 178 lần về sản lượng và hơn 131 lần về kim ngạch chỉ sau 5 năm. Than đá cũng tăng hơn 249 nghìn tấn, kim ngạch hơn 25 triệu USD lên gần 2,85 triệu tấn, kim ngạch 291,5 triệu USD vào năm ngoái, tăng hơn 11 lần về sản lượng và kim ngạch. Trong khi sắt thép tăng từ hơn 27,5 nghìn tấn, kim ngạch hơn 14,4 triệu USD lên gần 549,5 nghìn tấn, kim ngạch hơn 316,3 triệu USD, tăng gần 20 lần về sản lượng và gần 22 lần về kim ngạch.
Nhìn vào kết quả xuất nhập khẩu giữa 2 nước trong nhiều năm gần đây như đề cập ở trên, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga tăng nhanh và ổn định nhờ sự đồng đều của nhiều mặt hàng. Chính vì vậy, cán cân thương mại giữa 2 nước ngày càng được thu hẹp từ con số xuất siêu (của Việt Nam) gần 900 triệu USD năm 2014 xuống còn 315 triệu USD vào năm 2018.