Những biện pháp mà Thành phố đang áp dụng là cần thiết nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ thật sự hiệu quả nếu được người dân tự giác thực hiện tốt.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên khắp địa bàn. Hà Nội kêu gọi người dân ở nhà, không tụ tập quá 5 người, cơ quan, công sở xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến…
Các biện pháp tuyên truyền, ra quân xử lý vi phạm được thực hiện triệt để từ các quận nội thành đến các huyện, thị xã ngoại thành nhằm nâng cao hơn nữa ý thức phòng dịch của người dân.
Một điểm đáng trân quý trong những ngày này là ý thức của các chủ cơ sở kinh doanh, của người dân về phòng, chống dịch Covid-19 đã được nâng cao. Chẳng hạn, theo Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, đa số người dân, các cơ quan hành chính, cửa hàng kinh doanh... đã chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch trong bối cảnh mới.
Tại nhiều quán ăn ở quận Hà Đông, chia sẻ với phóng viên, hầu hết các chủ cửa hàng cho biết, dù chịu nhiều thiệt hại về kinh tế nhưng trước diễn biến ngày càng nguy hiểm, khó lường của dịch Covid-19, họ sẵn sàng chia sẻ, đồng lòng cùng Thành phố quyết ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan. Các cửa hàng đều bảo nhau tuân thủ quy định, chỉ bán hàng mang về.
Ngoài tuân thủ quy định của Thành phố, chỉ bán theo đơn hàng online mà không tiếp khách ăn, uống trực tiếp tại quán, không ít cơ sở kinh doanh đã nhanh chóng “bắt nhịp”, chuyển sang hình thức bán hàng online.
Chị Đinh Thị Tuyến, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, từ khi có dịch cơ sở của chị đã thay đổi hình thức kinh doanh. Dù chuyên phân phối gạo và đồ thực phẩm khô song chị áp dụng chuyển sang bán online, ít tiếp xúc và tập trung đông người.
Cụ thể, thay vì đến tận cửa hàng để gọi mua gạo như trước đây, khách chỉ việc gọi điện hoặc đặt online qua Facebook hoặc Zalo là nhân viên cơ sở chị sẽ mang đến tận nơi. Như vậy, vừa hạn chế việc tập trung đông người lại vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh.
Chị Hoàng Thị Oanh, chủ một cửa hàng kinh doanh café, nước giải khát thuộc quận Đống Đa cho biết, dịch bệnh khiến việc kinh doanh của chị bị ảnh hưởng rất nhiều, kể cả thời điểm Thành phố nới lỏng các biện pháp phòng, chống Covid-19 thì lượng khách hàng vẫn giảm 70% so với thời điểm chưa có dịch. Hiện tại, trước mức độ và yêu cầu tăng cường đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, chị đã tạm thời đóng cửa hàng quán, ủng hộ chủ trương của Thành phố.
Điểm đáng trân quý là, những hộ kinh doanh đều nhận thức rõ mục tiêu chống dịch để bảo vệ sức khỏe của gia đình, người thân và cộng đồng. Đều đồng lòng với các quyết sách của Thành phố, hi vọng dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi.
Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 không chỉ trên thế giới mà ở trong nước ngày càng diễn biến phức tạp. Ở đợt dịch này, với sự xuất hiện của chủng virus mới với sự lây lan gấp nhiều lần đã khiến cho công tác kiểm soát, truy vết của các lực lượng chức năng càng trở nên vất vả bội phần.
Chính vì vậy, việc Hà Nội tăng cường các cấp độ phòng dịch là phù hợp. Mặt khác, nhìn nhận rộng có thể thấy, các chủ trương, quyết sách trên đều căn cứ trên cơ sở nền tảng sẵn có. Chẳng hạn, với Công điện số 15/CĐ-CTUBND, Hà Nội đã chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, từ việc ổn định tâm lý, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân đến tăng cường nguồn cung hàng hóa, sẵn sàng cho mọi trường hợp có thể nảy sinh.
Trước sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên, chỉ cần mỗi người dân Thủ đô tin tưởng, có ý thức và sự bình tĩnh trong phòng, chống dịch bệnh thì tin tưởng Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi.
Nói cách khác, trong chống dịch, ý thức của mỗi người dân vô cùng quan trọng. Nếu mỗi người luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong việc tự bảo vệ bản thân, bảo vệ người thân bằng các biện pháp đã được các cơ quan y tế khuyến cáo như sát khuẩn, đeo khẩu trang… đến việc tuân thủ các quy định, khuyến cáo của chính quyền và các ngành chức năng, cũng như việc khai báo khi bản thân, cộng đồng có liên quan đến vùng dịch, người nghi mắc, người mắc Covid-19 cũng là đã góp phần rất lớn trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.
Và dĩ nhiên, chỉ khi phòng dịch tốt chúng ta mới có thể duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của năm 2021.
Nguồn: https://laodongthudo.vn/vung-tam-chong-dich-126567.html