Ông Lâm Tấn Kiệt, Giám đốc Xí nghiệp 1 (Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Sài Gòn) cho biết, bộ thiết bị này do Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Sài Gòn nghiên cứu sản xuất và nhập khẩu với tổng giá trị 20 tỉ đồng; trong đó mỗi máy gắp rác cơ động nhập khẩu từ Mỹ có giá 3,5 tỉ đồng, các thiết bị còn lại do kỹ sư Việt Nam phát triển. Bộ thiết bị bao gồm một sà lan lớn với khoang chứa rác khoảng 250 tấn; một tàu thu gom rác tự động với sải cánh thu gom rộng 12m chạy trên luồng chính; hai máy gắp rác nhỏ có tính cơ động cao dùng để di chuyển rác và đưa về sà lan; một tàu kéo tàu chính. Các thiết bị này có khả năng di chuyển để thu gom rác trên mặt sông, kênh rộng từ 5m trở lên.
Theo ông Lâm Tấn Kiệt, với công nghệ mới này, việc trục vớt rác trên sông sẽ được tối ưu hóa, giảm bớt sức người. Cụ thể, chỉ cần khoảng 7-8 người tham gia vận hành, trong 7 tiếng, bộ thiết bị này có thể thu gom 30-40 tấn rác. Trong đó, hệ thống sà lan và tàu kéo lớn giữ vai trò hoạt động chính, có cần cẩu gắp có thể thọc sâu dưới lòng sông, kênh để trục vớt bùn và các loại rác chìm; hai máy nhỏ hoạt động riêng biệt để vớt các loại rác nổi như lục bình, vỏ chai, bao bì…; những thiết bị còn lại được sử dụng để gom tất cả các loại rác vào luồng chính. Tại luồng chính, băng tải cuốn tự động sẽ thu gom rác vào khoang chứa của tàu; rác sau khi thu gom được nén để tiết kiệm diện tích chứa, đến khi rác đầy sẽ được thiết bị khác đưa đến nơi xử lý.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, được đưa vào thí điểm từ đầu tháng 10/2020, đến nay mô hình thu gom rác trên kênh, rạch hiện đại này đã mang lại nhiều hiệu quả. Theo đó, dù chỉ thử nghiệm trong một tháng với 3 lần vớt trên sông Vàm Thuật – Bến Cát (quận Gò Vấp) nhưng bộ thiết bị đã giúp thu gom được gần 90 tấn rác, cải thiện chất lượng nước rõ rệt, giảm ô nhiễm và ngập úng cho khu vực dân cư xung quanh khi trời mưa, được nhiều người dân ủng hộ; việc vớt rác được thực hiện nhanh, cơ động, không yêu cầu nhiều sức người nhưng vẫn đảm bảo tính chủ động và chính xác; thiết bị có thể thu gom nhiều loại rác, đặc biệt những loại rác lớn, nặng mà sức người khó vớt như rong, lục bình, chất thải rắn kim loại và rác ven bờ; đồng thời nâng công suất vớt cao hơn so với phương án đang thực hiện hiện nay nhờ vào tốc độ di chuyển các thiết bị nhanh, linh hoạt.
Chính vì vậy, Sở Giao thông Vận tải thống nhất kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM chấp thuận cho triển khai thực hiện thu gom rác thải sông, rạch sử dụng công nghệ mới trên toàn địa bàn Thành phố theo lộ trình, bắt đầu từ các tuyến giao thông thủy nội đô, những kênh, rạch lớn bị ô nhiễm nhiều như tuyến sông Vàm Thuật – Trường Đai – Tham Lương; rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km ở quận Bình Thạnh; các tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ và rạch Bến Nghé dài gần 40km chảy qua các quận 1, 4, 5, 6, 8…, mỗi tháng vớt 15 lần, mỗi lần 8 tiếng. Sau đó, Sở sẽ xây dựng đơn giá để Thành phố đưa vào sử dụng đại trà tại các sông, rạch trên địa bàn trong năm 2021. Đối với kênh, rạch rộng dưới 5m vẫn sẽ dùng cách thu gom rác truyền thống là sử dụng sức người.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết, Thành phố có khoảng 2.000 km kênh, rạch có chức năng phục vụ giao thông đường thủy, tiêu thoát nước. Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh, rạch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng xả rác thải trực tiếp vào hệ thống kênh của người dân, gây tắc nghẽn dòng chảy và là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước; chỉ tính riêng lượng rác thải mà Công ty vớt trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mỗi ngày đã hơn 10 tấn. Thêm vào đó, khi đến mùa mưa, lưu lượng nước từ kênh, rạch nhánh lại đổ mạnh vào hệ thống kênh, sông kéo theo lượng rác thải lớn, gây ô nhiễm diện rộng.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, tuy Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” từ năm 2018 của Thành ủy đã phát huy tác dụng, tình trạng xả rác xuống kênh rạch đã giảm đáng kể nhưng việc triển khai xử phạt tại nhiều quận, huyện vẫn chưa thực hiện hiệu quả. Mặt khác, việc thiếu kinh phí dành cho hoạt động vớt rác kéo dài nhiều năm nay khiến lực lượng vệ sinh môi trường Thành phố phải dựa vào phương pháp thô sơ là tổ chức công nhân đi thuyền, dùng vợt để vớt rác trên các kênh, rạch, gây hạn chế về lượng rác thu gom và tốn nhiều thời gian, sức người. Do đó, đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc áp dụng rộng rãi bộ thiết bị thu gom rác sử dụng công nghệ mới là rất phù hợp với nhu cầu và tình hình chung của Thành phố.
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết, tuy đề xuất sử dụng công nghệ hiện đại trong thu gom rác trên kênh, rạch là phù hợp, nhưng Thành phố nên tính toán kỹ vấn đề chi phí, khi giá thuê bộ thiết bị dự kiến lên đến khoảng 1,5–2 tỉ đồng mỗi tháng, chưa tính tiền nhiên liệu. Bên cạnh đó, dù thiết kế giảm bớt sức người, nhưng để vận hành hiệu quả và chính xác mô hình thu gom với 5 phần thiết bị khác nhau, đòi hỏi lực lượng công nhân phải có trình độ, hiểu biết nhất định về điều khiển công nghệ. Do đó, nếu quyết định triển khai đại trà thì Thành phố cần lưu ý đến công tác đào tạo tay nghề cho công nhân, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, tổ chức lực lượng giám sát quá trình vận hành nhằm đảm bảo không xảy ra sai sót, gây lãng phí.