Với 14 ý kiến phát biểu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, DN chăn nuôi và giết mổ, các chợ đầu mối tại TP đều có sự đồng thuận và thống nhất cao về sự cần thiết phải thành lập Đề án Sàn giao dịch heo tại TP - dự kiến vận hành vào năm 2021.

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM tổ chức tọa đàm “Trao đổi, lấy ý kiến vận hành mô hình dự kiến sàn giao dịch heo trên địa bàn TPHCM”, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP nhận định, nhu cầu sử dụng thịt heo của người dân rất lớn.

Hiện người tiêu dùng có thói quen phổ biến là dùng thịt nóng (mới giết mổ). Trong khi đó, quy cách, tiêu chuẩn chưa đồng bộ và giết mổ thủ công chưa đảm bảo vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi có hàng nhưng không quyết định được giá. Người tiêu dùng cũng không biết giá cụ thể là bao nhiêu để lựa chọn. Trong khi đó, thông tin thị trường cũng không công khai, minh bạch, cơ quan Nhà nước chưa quản lý được hết thương lái, người chăn nuôi...

“Do vậy, nếu có sàn giao dịch thịt heo, cơ sở chăn nuôi và chợ đầu mối sẽ giao dịch trực tiếp. Người chăn nuôi và chợ đầu mối có quyền quyết định chính, thương lái chỉ cung cấp dịch vụ logistics (bắt và vận chuyển heo). Họ có thể giao dịch trước cả tuần hoặc cả tháng, có luật chơi và quy chế riêng”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP nhận định.

Hình minh họa

Sở Công thương TP HCM cho biết, hiện thành phố đã có những điều kiện khá thuận lợi để mở sàn giao dịch heo như: quy mô thị trường tiêu thụ thịt heo lớn (10.000 con heo/ngày, tổng giá trị lên đến 17.500 tỷ đồng/năm); Nguồn heo cung cấp đến từ 6 – 10 tỉnh, giao dịch chủ yếu tập trung tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và kênh phân phối hiện đại; Các chủ thể tham gia đã quen ứng dụng công nghệ thông tin qua Đề án truy xuất nguồn gốc,...

Cũng theo Sở Công thương TP HCM, qua khảo sát thực tế các sàn giao dịch tại Đài Loan như sàn giao dịch hoa, sàn giao dịch rau củ quả, sàn giao dịch heo,… thì hầu hết các mô hình này là của công ty cổ phần, vốn đầu tư không lớn; Xuất phát điểm khá giống Việt Nam, cũng từ các chợ mua bán nhỏ lẻ; Nhà nước hỗ trợ bố trí đất, đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất, chuỗi logistic và cử người tham gia, theo dõi giám sát.

Tuy nhiên, để mở sàn giao dịch heo, nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều vấn đề đặt ra cần được làm rõ, thống nhất như: cần đánh giá tính khả thi của sàn; Giao dịch heo hơi hay heo mảnh thì phù hợp vì trên thế giới, có nước giao dịch heo hơi, có nước giao dịch heo mảnh. Bên cạnh đó là vai trò của các chủ thể trong giao dịch, hoạt động của sàn. Điều kiện tham gia sàn như thế nào? Một số nước châu Âu yêu cầu phải đăng ký pháp danh doanh nghiệp hay hợp tác xã thì mới được tham gia sàn. Phương thức giao dịch ra sao, Nhà nước nên giữ vai trò gì, tham gia mức độ nào?...

Nhiều ý kinh doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng thịt heo cũng bày tỏ đồng tình ủng hộ mở sàn giao dịch heo theo hướng chuyên môn hóa và trả lại đúng chức năng cho từng chủ thể trong chuỗi cung ứng, giúp người chăn nuôi chủ động quyết định được giá bán.

Hiện, Sở Công Thương TPHCM đang làm việc với các sở ngành của thành phố, chợ đầu mối và các tỉnh, thành nhằm đảm bảo đưa đề án vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 7/3, Sở Công Thương TP HCM và Tổng lãnh sự Anh, Cục Thực thi quy định quốc tế (thuộc Bộ Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh) đã ký ghi nhớ hợp tác 3 bên về việc hỗ trợ xây dựng sàn giao dịch heo hơi trên địa bàn TP HCM. Mục đích của sự hợp tác nhằm cung cấp, hỗ trợ cho Sở Công Thương về kỹ thuật, thông tin, kinh nghiệm pháp lý, chuyên gia... trong việc nghiên cứu, khảo sát thực hiện xây dựng mô hình và thí điểm triển khai đưa vào hoạt động sàn giao dịch heo hơi.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam