Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, số ngày nghỉ kéo dài liên tục 5 ngày, từ 27/4 đến hết 1/5. Vì vậy, tại Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây - 2 bến xe liên tỉnh lớn nhất TP HCM, đều dự báo lượng khách tăng so với cùng kỳ năm trước từ 2%-4%.

Tại Bến xe Miền Đông, lãnh đạo bến xe này dự báo lượng khách sẽ tập trung chủ yếu ở các tuyến đường có cự ly trung bình, ngắn và đến các khu du lịch.

tp ho chi minh tang gia xe xe toi da 40 trong dip le 304 va 15
Ngày cao điểm nhất được dự báo rơi vào hôm 28/4, với gần 48.000 lượt khách qua bến Miền Đông.

Trong đó, các tuyến từ Quảng Ngãi, Khu vực Tây Nguyên trở vào phía Nam; khu vực Miền Tây và nhất là các tuyến đến những trung tâm du lịch như Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang..., được dự báo có lượng khách cao.

Theo kế hoạch, Bến xe Miền Đông sẽ áp dụng mức giá tăng tối đa 40% so với ngày thường, đối với các xe tăng cường xe chạy lệch tuyến, xe hợp đồng, xe buýt…

Tương tự, tại Bến xe Miền Tây, lãnh đạo bến xe này cũng dự báo lượng khách tăng từ 2%-4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cao điểm khách qua bến dồn vào ngày 27/4, từ 62.000 đến 65.000 khách/ngày.

Trong phương án bán vé, Bến xe Miền Tây cho biết sẽ bắt đầu từ ngày 26/4 đến hết ngày 1/5, giá vé cũng được áp dụng tăng tối đa 40% so với ngày thường. Nhiều người dân ngao ngán khi nghỉ lễ dài ngày, tìm mua vé xe về quê đã khó lại còn tăng giá.

Việc bến xe, nhà xe tăng giá hầu hết các dịp lễ, tết trong năm với lý do bù khoản phụ thu, trả chi phí nhiên liệu cho xe chạy rỗng một chiều về đã diễn ra phổ biến nhiều năm nay như một thông lệ tại khu vực miền Nam. Trong khi đó, các bến xe ngoài Hà Nội không có chuyện phụ thu khoản này, cả năm giá vé như nhau. Ngay tại bến xe “nóng” nhất là Mỹ Đình, giá vé cơ bản ổn định.

Theo Thông tư liên tịch 152 của Bộ Tài chính - Bộ GTVT về việc hướng dẫn thực hiện kê khai giá vé vận tải không cho phép phụ thu giá vé mà chỉ cho phép doanh nghiệp kê khai đăng ký giá vé phù hợp.

Trả lời báo chí, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA), khẳng định lý do bù chạy chiều rỗng là vô lý. Theo ông, bài toàn kinh tế quá rõ ràng, khách đi càng nhiều, doanh thu tăng lên thì tại sao doanh nghiệp lại cần bù chi phí? Đáng ra lượng khách càng tăng thì giá vé càng phải giảm. Ngay cả khi chạy vào ngày thường, không thể có chuyện xe chạy cả 2 chiều, chiều nào cũng đông khách. Lúc nào cũng sẽ có một chiều xe phục vụ số lượng khách ít hơn. Vào những dịp lễ, tết, xe chạy chiều về ít khách gấp đôi, gấp ba lần thường ngày thì chiều đi lại tăng cả 3 - 4 lần.

Sở GTVT không cho phụ thu nhưng duyệt giá doanh nghiệp kê khai tăng 30 - 40% thì cũng chẳng khác gì phụ thu. Sở GTVT TP.HCM cần cân nhắc chấm dứt tiền lệ vô lý này”, ông Hậu đề nghị.

Nguyễn My

Theo tbck.vn