Theo đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa kiến nghị Sở GTVT cho phép tăng giá vé xe buýt phổ thông thêm 1.000 đồng, thực hiện từ 1/5 tới với mục đích giảm trợ giá của Thành phố.

Các tuyến xe buýt có trợ giá sẽ được điều chỉnh mức vé như sau: nhóm tuyến có cự ly từ 15 km đến dưới 25 km, giá vé điều chỉnh từ 5.000 lên 6.000 đồng/lượt/hành khách. Nhóm tuyến có cự ly từ 25 km trở lên, giá vé là 7.000 đồng/lượt (trước là 6.000 đồng). Riêng nhóm tuyến có cự ly từ 15 km trở xuống, giá vé giữ nguyên 5.000 đồng/lượt.

tphcm de xuat tang gia ve 51 tuyen buyt
Tăng giá vé xe buýt đồng nghĩa với cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ.

Việc tăng giá vé cũng áp dụng với học sinh, sinh viên. Khi lên xe, học sinh, sinh viên đều phải xuất trình thẻ. Trường hợp chưa được cấp thẻ hoặc chỉ được cấp thẻ học viên, nhóm đối tượng này có thể xuất trình giấy xác nhận là học sinh, sinh viên (có dán hình, đóng dấu giáp lai) để thay thế.

Với đề xuất điều chỉnh giá vé như trên, sẽ có 51 tuyến có giá vé tăng 1.000 đồng/lượt/hành khách so với hiện nay và 49 tuyến còn lại giữ nguyên giá vé.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, trước khi đề xuất tăng giá vé xe buýt đã khảo sát, lấy ý kiến khoảng 2.000 hành khách đi xe buýt.

Kết quả, hơn 80% hành khách đồng ý tăng giá 1.000 đồng/vé và cho rằng, giá vé xe buýt hiện nay rẻ nhất so với các phương tiện vận tải khác.

“Việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt là cần thiết, mức tăng cũng không quá cao với tình hình phát triển kinh tế để bù đắp khó khăn cho ngân sách thành phố”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, sau khi tăng giá vé, các doanh nghiệp cùng cam kết nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Từ năm 2012 đến nay, chi phí các yếu tố đầu vào cho hoạt động xe buýt như giá nhân công, phương tiện, xăng dầu… đều tăng nhiều. Riêng giá nhân công tăng 109%. Giá đầu tư xe cũng cao hơn từ 120-140% so với năm 2012.

Ngoài ra, Trung tâm cũng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cũng như sản lượng hoạt động xe buýt như mở mới các tuyến xe buýt; đầu tư gần 1.170 xe mới trong đó có 428 xe buýt CNG; thí điểm công nghệ RFID xác nhận chuyến, thí điểm vé điện tử thông minh...

Dự kiến sau khi điều chỉnh tăng giá vé, doanh thu xe bus sẽ tăng thêm 92,5 tỷ đồng/năm, tạo điều kiện để các đơn vị đầu tư phương tiện mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ xe bus.

Tùng Linh

Theo tbck.vn