Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về đầu tư cảng trung chuyển container quốc tế tại huyện Cần Giờ.

Theo đó, dự án có quy mô hơn 7 km cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus), công suất thông qua khoảng 10-15 triệu teus (một teus tương đương container loại 20 feet). Tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Dự kiến, công trình sẽ phân kỳ thành 7 giai đoạn triển khai. Nhà đầu tư mong muốn giai đoạn một dự án làm vào đầu năm 2024, khai thác 4 năm sau đó. Giai đoạn cuối sẽ được hoàn thành năm 2040.

UBND TP.HCM cho biết, việc xây dựng cảng container ở Cần Giờ là cần thiết. Bởi hiện nay sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2015-2020 là 7,34%, giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 5%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40,5% so với quy hoạch đến năm 2020 (116,94 triệu tấn), vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030 (159,98 triệu tấn), chiếm 23,36% so với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước.

Ngoài ra, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các khu bến trên sông Sài Gòn sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng.

Do đó, việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển TP.HCM trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP.HCM nói riêng và các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Tạo lợi thế để phát triển kinh tế biển cho cả nước

Theo các chuyên gia, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ nếu được xây dựng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh với các nước và phát triển kinh tế biển cho cả nước.

TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đánh giá việc xây dựng siêu Cảng biển tại huyện Cần Giờ là cần thiết. Song, vị chuyên gia cùng bày tỏ nhiều vấn đề cần lưu ý khi triển khai dự án này.

Cảng cần phải nằm ở vị trí thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khai thác và phải có hạ tầng logistics đi kèm. Nhiều năm qua, việc đầu tư cảng được chú trọng nhưng không bố trí hạ tầng phù hợp kèm theo để đảm bảo cho cảng vận hành hiệu quả. Ngay cả cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải cũng thế, chưa có kho hàng tương xứng, chưa kết nối vận tải đường sắt…

Theo ông Cương, để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế cần làm rõ một số vấn đề bao gồm: Cung đường để tiếp cận vào cảng, đường để giải tỏa hàng hóa từ cảng hay đây chỉ là trung chuyển giữa tàu với tàu thôi, tức là không có chuyện chở hàng vào nội địa.

"Phải xem lại quy hoạch cảng biển của Bộ Giao thông Vận tải đã làm. Quy hoạch nhóm cảng 4, mới chỉ có cảng biển phía Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giờ đặt thêm cảng phía Cần Giờ có làm thay đổi quy hoạch và phải điều chỉnh quy hoạch. Điều này cũng phải tính lại, phải xem lại hiệu quả khai thác. Việt Nam rất nhiều cảng, trong đó nhiều nơi khai thác không hết công suất. Ngoài ra, còn phải tính toán ảnh hưởng của cảng lớn đến đô thị sinh thái Cần Giờ. Làm cảng thì được, nhưng tôi nghĩ phải trả lời thỏa đáng các câu hỏi trên", vị chuyên gia cho hay.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-de-xuat-xay-dung-sieu-cang-bien-tai-huyen-can-gio-68846.html