Theo một nghiên cứu của Savills, giá bất động sản ven sông tại các thành phố lớn trên thế giới cao hơn 10-50% so với bất động sản xa sông. Đối với Việt Nam cũng tương tự, đô thị ven sông có giá cao hơn 20-30% so với các đô thị xa sông, thậm chí có nơi lên đến 50%.
Tại khu vực ven sông TP.HCM, giá bất động sản cũng cao hơn rất nhiều so với bất động sản thông thường, các dự án bất động sản tại đây có thể có giá lên tới hàng chục triệu USD. Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến những khu vực có không khí trong lành nhưng vẫn liền kề trung tâm. Do đó, những dự án vừa tọa lạc ven sông, vừa di chuyển thuận tiện đến trung tâm thành phố luôn có sức hấp dẫn cao với cả người mua thực lẫn giới đầu tư.
Tuy nhiên, dù được đánh giá cao về tiềm năng nhưng bất động sản ven sông tại TP.HCM vẫn chưa thực sự được quan tâm.
Trên thực tế, các khu đô thị xuất hiện ở 2 bên bờ sông TP.HCM chủ yếu đã có từ rất lâu. Các công trình mới thì chưa thực sự phát triển để tương xứng với tiềm năng ven sông của thành phố. Lý giải cho sự phát triển chưa đồng bộ này, bà Hương cho rằng do TP.HCM chưa chú trọng đầu tư cho kế hoạch phát triển ven sông, chưa có bứt phá trong quy hoạch ven sông. Việc kết nối đường bộ với đường thủy dọc 2 bên bờ sông cũng chưa thực sự được quan tâm.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch VREC & HREC, cho biết quy hoạch đất ven sông vẫn chưa được làm triệt để, đất nông nghiệp ven sông thành phố không còn phù hợp, thay vào đó cần chú trọng vào các dự án ven sông. Mặt khác, người dân đã biến đất nông nghiệp thành đất ở khiến việc thu hồi đất diễn ra lâu hơn.
Giao thông đường thủy không phát triển cũng gây cản trở lớn cho sự phát triển đô thị tại hai bên sông. Theo ông Bảo, đường thủy vẫn chưa phát triển mạnh tại TP.HCM, các phương tiện di chuyển không nhiều và các bến bãi cũng không đầy đủ. Nhà nước cần xây dựng đa dạng vị trí điểm dừng cho người di chuyển, cần có thêm các bến tại KCN, khu dân cư, khu du lịch… từ đó tạo điều kiện để người dân đi lại dễ dàng hơn, hướng tới phát triển các dự án đô thị ven sông.
Bên cạnh đó, áp lực vốn cũng ảnh hưởng đến các chủ đầu tư. Do biến đổi khí hậu, ven sông nội thành TP.HCM rất dễ bị ngập nước, chủ đầu tư cần có chiến lược ứng phó trong tương lai như nâng cốt nền lên cao, xây dựng vành đai sông… Vốn của chủ đầu tư sẽ đội lên rất nhiều so với các dự án ở khu vực khác.
Ông Bảo nhận xét về xu hướng phát triển đô thị ven sông trong vòng 5 năm tới của thành phố: “Các dự án ven sông vẫn sẽ diễn ra do nhà nước vẫn dành quỹ đất cho các dự án trong tương lai. Tuy nhiên sẽ diễn ra chậm do vấn đề quy hoạch vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong 5 năm tới, bất động sản ven sông tại TP.HCM vẫn phát triển theo chiều hướng tốt, tăng trưởng theo từng giai đoạn và thời gian nhất định”.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-do-thi-ven-song-chua-phat-trien-manh-61557.html