Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2017, tổng số quỹ nhà đất đã hoàn thành phục vụ công tác tái định cư tại TP.HCM là hơn 40.000 căn hộ, nền đất.
Các quận, huyện của thành phố đã bố trí tái định cư cho người dân được hơn 26.600 căn hộ và nền đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án, chiếm khoảng 65%; còn gần 14.000 suất tái định cư và nền đất trên địa bàn thành phố, tương đương với 35% đang bị dư thừa, lãng phí.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM,việc dư tồn 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư là do 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất là do có sự thay đổi về chính sách pháp luật bồi thường, tái định cư. Theo đó, trước đây khi chính sách bồi thường, tái định cư chưa sát với giá thị trường thì gần như 100% người dân đồng ý nhận căn hộ.
Có trường hợp để ở nhưng cũng có trường hợp sau khi nhận tái định cư xong, họ đã bán để kiếm lời, sau đó chuyển đi nơi khác sinh sống.
Sau này, khi chính sách sát với giá thị trường thì rất nhiều người dân nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Chỉ trừ những trường hợp không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì mới nhận căn hộ tái định cư. Điều này dẫn đến việc thừa căn hộ so với nhu cầu đăng ký ban đầu của người dân.
Nguyên nhân thứ hai là do quá trình bố trí, tái định cư chưa sát với đời sống của người dân, khi khu tái định cư được xây dựng quá xa nơi ở cũ, không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân.
Về giải pháp để xử lý những căn hộ tồn dư, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sẽ giữ lại hơn 8.500 căn hộ và nền đất giao cho các quận huyện bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa trong 153 dự án đã và đang chuẩn bị triển khai.
Ngoài ra, thành phố đưa gần 5.500 căn hộ và nền đất ra đấu giá bán sang nhà ở thương mại để thu hồi vốn thực hiện những dự án khác.
Cũng tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, cần phải quan tâm nhiều hơn đến đời sống người dân sau tái định cư.Đồng thời, phải tìm giải pháp để tổ chức lại cuộc sống của người dân sau tái định cư tốt hơn.
Theo bà Tâm, một kinh nghiệm đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng để thống kê và theo dõi được đời sống của người dân sau khi di dời, giải tỏa.
Đó là người nhận tiền giải tỏa, khi tự lo nơi ở mới thì đều phải báo với chính quyền địa phương về phương án tạo lập nơi ở mới như thế nào. Với cách này thì Nhà nước có thể nắm được cư dân của họ đã sống thế nào sau giải tỏa.
Cũng theo thông tin tại buổi giám sát, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian sắp tới, UBND thành phố sẽ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để cho đơn vị này được giải quyết theo chính sách đặc thù để đáp ứng tốt hơn đời sống của người dân.