Giá dứa tăng nhẹ tại các chợ truyền thống.
Dứa trúng vụ tăng giá
Từ giữa tháng 4 đến hết tháng 5 là thời điểm dứa (thơm) vào mùa chín rộ. Dứa chính vụ có vị ngọt đậm, hình thức bắt mắt. Do được trồng chủ yếu trong nước nên hàng năm, trên địa bàn Thủ đô, dứa chính vụ được bán với giá rất rẻ, chỉ trên hoặc dưới 5.000 đồng/quả.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, những ngày đầu mùa hè với sức nắng đỉnh điểm, giá dứa có chiều hướng tăng do nguồn cầu tăng. Chị Anh Thư (26 tuổi, trú ở Thanh Oai, Hà Nội - tiểu thương bán dứa lẻ tại chợ tạm Quan Nhân) cho biết: “Thời điểm đầu tháng 4, giá dứa ở mức trung bình, giá bán lẻ chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/quả, tuỳ kích thước to mọng hay nhỏ. Thậm chí cuối ngày, tôi bán nhanh với giá 20.000 đồng/3 quả to mọng. Giá cả phải chăng nên mặt hàng dứa bán lẻ rất nhanh”.
Lý giải giá dứa trúng vụ tăng nhẹ, chị Anh Thư cho biết: “Vì nguồn cầu tăng nên giá dứa tăng nhẹ là chuyện thường tình, hơn nữa, giá nhiên liệu vận chuyển cũng tăng nên câu chuyện giá của một số loại hoa quả tăng là điều khó tránh khỏi. Để bán lẻ với mức giá 8.000 đồng/quả trung bình và 10.000 - 12.000 đồng/quả to thì tôi phải nhập với số lượng lớn, mỗi lần nhập ít nhất là 3 tạ (khoảng 3 bao tải lớn) và bán lẻ tại chợ từ 5h30 đến khoảng 10h sáng thì hết khoảng 2 tạ. Buổi chiều tôi bán từ 15h đến khoảng 18h tối thì hết. Dứa vào vụ nên rất ngọt, khách hàng mua rất nhiều. Vựa dứa tôi nhập tại Xa La (Hà Đông) thỉnh thoảng cũng bị cháy hàng. Chồng tôi phải đi nhập hàng từ rất sớm để đảm bảo đủ nguồn cung cho khách ở chợ và đảm bảo dứa luôn tươi ngon”.
Không chỉ dứa, theo ghi nhận của PV, giá của các loại trái cây khác như na trái mùa, xoài, cam, chôm chôm… cũng nhích nhẹ. Đơn cử như na trái mùa có giá 45.000 - 55.000 đồng/kg tuỳ loại; Chôm chôm có giá bán lẻ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, tuỳ loại; Ổi có giá 25.000 đồng/kg. Xoài cũng tương tự, mặc dù đang trúng vụ nhưng giá bán lẻ tại các chợ truyền thống đều ở mức 30.000 - 45.000 đồng, tuỳ loại… Theo các tiểu thương, giá nhiên liệu tăng đã ảnh hưởng tới chi phí vận chuyển và cách duy nhất để có chút lãi đáp ứng cuộc sống sinh hoạt tại Thủ đô là tăng giá bán trái cây.
Trứng gà “rớt thảm”
Giá hoa quả tăng nhẹ tại các chợ bán lẻ.
Ghi nhận của PV tại một số chợ truyền thống, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá trứng gà đều giảm sâu. Cụ thể, thay vì thời điểm sau Tết Nguyên đán, trứng gà vỏ trắng (trứng gà ta) có giá bán lẻ là 30.000 - 32.000 đồng/chục thì giá hiện tại chỉ còn 25.000 đồng/chục; giá trứng gà vỏ đỏ (trứng gà công nghiệp) cũng chỉ dao động ở mức 14.000 đồng/chục; trứng gà Ai Cập có giá 22.000 đồng/chục.
Lý giải về giá trứng gà giảm mạnh, tiểu thương Lê Thị Hoài (43 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội). bán lẻ tại chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, thời tiết bắt đầu ấm lên là giá trứng bán ra bắt đầu giảm. Trong khi, giá trứng chúng tôi nhập vào chỉ 18.000 - 20.000 đồng/chục trứng gà ta. Do ảnh hưởng của thời tiết nên các thương lái nước ngoài cũng hạn chế thu mua trứng trong nước. Nguồn cung dồi dào trong khi nguồn cầu vẫn giữ nhịp thì giá bán lẻ tại các chợ cũng rẻ”.
Giá trứng gà giảm sâu khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi bất ngờ. Bởi dịp giảm giá này là kỷ lục của thị trường trứng gà tại Thủ đô. Tuy nhiên, nghịch lý là người tiêu dùng được hưởng lợi thì người chăn nuôi sẽ gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Quý - chủ một trang trại chăn nuôi ở Mỹ Đức, Hà Nội mòn mỏi chờ tăng giá: “Hiện tại, chuồng nhà tôi nuôi hơn 100 con gà ta, mỗi ngày cho ra khoảng 70 - 80 quả trứng nhưng thương lái không nhập hàng nữa, nên tôi phải đem ra chợ để bán lẻ. Trước đây, thời điểm trứng gà còn cao thì cứ khoảng 2 ngày, thương lái đến thu gom một lần. Thời điểm giá cao, tôi bán ít nhất là 5.000 - 6.000 đồng/quả, nay chỉ còn 1.800 - 2.000 đồng/quả. Trứng gà giá rẻ, thêm nữa là thời tiết nóng nực, khoảng một tháng trở lại đây, thương lái thông báo tạm dừng nhập trứng vì khó tiêu thụ và lãi lời chẳng được bao nhiêu. Không chỉ nhà tôi, các hộ chăn nuôi lân cận cũng đang trong tình cảnh lao đao, vì gà thì ngày nào cũng đẻ, thức ăn ngày nào cũng tốn, trong khi trứng lại không biết bán đi đâu”.
Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, trứng gà tại các chợ truyền thống vẫn chưa có dấu hiệu tăng giá trở lại. Điều này khiến cho người chăn nuôi đối diện với tình trạng thua lỗ nặng. Thực trạng giá trứng giảm nhưng giá thức ăn cho gia cầm vẫn không hề giảm, nên mỗi ngày, gia đình bà Quý phải bù lỗ khoảng 300.000 đồng chi phí cho gà.
Bà Quý cho biết: “Tôi đã nuôi gà đẻ từ hơn chục năm nay nhưng đây là đợt trứng gà rớt giá kỷ lục, khiến cho người chăn nuôi như tôi thua lỗ nặng. Xóm nhà tôi nuôi hơn một vạn gà đẻ, gia đình nào nuôi ít thì mỗi ngày bù lỗ vài trăm nghìn, gia đình nào nuôi nhiều mỗi ngày bù lỗ đến vài triệu, thậm chí chục triệu đồng. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không thể phá đàn vì sẽ thua lỗ nặng, mà chỉ có thể hy vọng qua đợt nghỉ lễ 30/4, giá trứng gà đẻ nhích lên thì chúng tôi sẽ bán dần đàn gà để gỡ lại chút vốn”.