Báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á củaNgân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố mới đây đã chỉ ra rằng các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi tiếp tục mở rộng trong quý đầu tiên của năm 2019, bất chấp những xung đột thương mại và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.

Báo cáo cũng đưa ra nhận định: Trái phiếu nhà ở và trái phiếu xanh là những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

“Các thị trường trái phiếu của khu vực đang giữ vững đà tăng, song những rủi ro vẫn tiềm ẩn bất lợi”, ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nhận định.

Vị chuyên này giải thích thêm: “Điều đó có nghĩa là chúng tôi nhận thấy tiềm năng trong việc phát triển trái phiếu nhà ở để tài trợ cho nhu cầu nhà ở đang gia tăng khi các vùng quê chuyển sang đô thị hóa, cũng như trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án về năng lượng sạch và các dự án thân thiện với khí hậu khác”.

Trái phiếu “xanh” được hiểu là một loại chứng khoán có thu nhập cố định nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường.

Các khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được cam kết đầu tư cho các chương trình tăng cường sự thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng và nước sạch,…

Trái phiếu “xanh” có thể được phát hành bởi chính phủ, các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế, các công ty,… Hiện nay, phần lớn trái phiếu “xanh” trên thị trường được phát hành bởi một số các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (European Investment Bank), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tính tới cuối tháng 3, đã có 15 nghìn tỷ USD trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi, cao hơn 2,9% so với cuối năm 2018 và nhiều hơn 14% so với thời điểm cuối tháng 3 năm 2018. Trong khi đó, giá trị trái phiếu phát hành trong khu vực đã tăng lên tới 1,4 nghìn tỷ USD trong quý I, cao hơn 10% so với quý cuối cùng của năm 2018 trong bối cảnh việc phát hành các công cụ nợ của chính phủ mạnh hơn.

Khu vực Đông Á mới nổi được đề cập tới bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore,Thái Lan và Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Được biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã rất lạc quan với Trung Quốc trong quý I/2019 nhờ tăng trưởng kinh tế tốt hơn kỳ vọng. Indonesia cũng thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn, song tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại Philippines giảm mạnh khi các nhà đầu tư thu hồi lợi nhuận. Trong khi ấy, sự không chắc chắn về kết quả tổng tuyển cử đã thúc đẩy cách tiếp cận chờ đợi và nghe ngóng của các nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan.

Tính đến cuối tháng 3/2019, trái phiếu chính phủ chiếm khoảng 61,7% trong tổng giá trị 9,3 nghìn tỷ USD của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Đông Á mới nổi, tăng 14% so với thời điểm cuối tháng 3 năm 2018.

Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành là 5,8 nghìn tỷ USD, cao hơn 14,2% so với một năm trước đó. Báo cáo của ADB chỉ ra rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất xét về quy mô tại khu vực Đông Á mới nổi, chiếm tới 75,3% tổng trái phiếu đang lưu hành của khu vực. Malaysia là thị trường lớn nhất của sukuk, hay trái phiếu Hồi giáo, còn Hàn Quốc có tỷ lệ trái phiếu trên tổng sản phẩm quốc nội cao nhất trong quý đầu tiên của năm nay, lên tới 125,6%.

Việc thành lập một Tổ chức Tài chính xanh Việt Namsẽ tạo ra lực đẩy lớn về việc tăng cơ hội đầu tư và tính khả thi thực tế trong ngắn hạn.

Giles T. Cooper,đồng Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam

Trong một chương đặc biệt, báo cáo ghi nhận rằng việc phát triển thị trường trái phiếu nhà ở sẽ làm tăng khả năng tiếp cận các khoản cho vay mua nhà tại thời điểm nhu cầu đang gia tăng và đa dạng hóa nguồn tài chính cho nhà ở, vốn trước đây được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại.

Theo đó, việc cung cấp nguồn tài chính cho nhà ở có thể sẽ giảm rủi ro mất cân đối về kỳ hạn giữa việc các chủ sở hữu nhà thường vay dài hạn với việc cho vay ngắn hạn của các ngân hàng.

"Phát triển thị trường trái phiếu nhà ở có thể giúp các quốc gia huy động vốn để xây thêm nhiều đơn vị nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở đang gia tăng trong khi cũng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển thông qua tạo việc làm", nhóm nghiên cứu cho hay.

Đồng thời, sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh Châu Á đang giúp khu vực tài trợ cho những dự án giảm thiểu và thích nghi biến đổi khí hậu.

Ví dụ, trong tháng 2, một khoản vay cao cấp có bảo đảm từ Quỹ Tài trợ cảnh quan nhiệt đới của Indonesia đã tài trợ cho một đồn điền cao su thiên nhiên, trong khi vào tháng 5, Tổng công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc đã bán trái phiếu nước đầu tiên của Châu Á để tài trợ cho các hệ thống quản lý nước bền vững.

Nói về trái phiếu xanh, ông Giles T. Cooper,đồng Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam cho hay, hiện Việt Nam đang cần đến khoảng 50 tỷ USD vốn cho xây dựng, chuyển giao công nghệ cho các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, nên chắc chắn đang có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn được tham gia vào thị trường trái phiếu xanh.

"Vấn đề hiện nay không phải là rào cản pháp lý, mà là tính khả thi trên thực tế. Trong khi các dự án phát triển năng lượng tái tạo có sức thu hút đầu tư rất lớn, nhiều lĩnh vực khác như trồng rừng lại có tiềm năng thu hút vốn và sinh lời thấp hơn rất nhiều",ông Giles T. Cooper nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin mà vị này chia sẻ thì trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét đến việc thành lập một Tổ chức Tài chính xanh Việt Nam có trách nhiệm tạo điều kiện phát triển cho những nhà đầu tư tham gia cấp vốn cho các dự án bảo vệ môi trường.

Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một lực đẩy lớn về việc tăng cơ hội đầu tư và tính khả thi thực tế trong ngắn hạn thay vì một khuôn khổ pháp lý cố định.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/trai-phieu-nha-o-trai-phieu-xanh-linh-vuc-tang-truong-nhieu-tiem-nang-36834.html

Theo Tạp Chí Điện Tử Reatimes