Vượt biên mong thoát nghèo
Xà Phìn là một xã vùng cao thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Toàn bộ diện tích là núi đá hiểm trở. Đá ở trên nương, đá ở nhà, đá len lỏi vào cả trò chơi của con trẻ. Ở xứ mà đất là điều hiếm hoi, thứ cây lương thực duy nhất sống được là cây ngô cũng phải chen đá mà lớn. Đồng bào bám đá để sống, cái đói cái nghèo cứ đeo bám đồng bào nơi đây suốt bao đời nay.
Sùng Mí Sính ở xã Xà Phìn C mới lấy vợ được 6 tháng nay. Nhà Sính có 5 người với nguồn sống cả năm chỉ trông chờ vào nương ngô trồng xen trên núi đá. Đói nhiều hay đói ít đánh cược cả vào thiên nhiên chứ chẳng mấy khi no. Được mùa thì nhà Sính chỉ đói ăn 1,2 tháng, còn nếu mất mùa thì cả 4-5 tháng không có cái gì ăn.
Nghèo quá, anh trai Sính bỏ sang Trung Quốc làm thuê từ hai năm nay. Nghe lời dụ dỗ của nhiều người và mong muốn trốn khỏi cái nghèo, Sính cũng từng vượt biên sang bên kia làm lao động những lúc nông nhàn.
Sau khi lấy vợ, gia cảnh càng khó khăn hơn, Sính bàn với vợ, đi làm xa thêm vài năm, vợ không nghe, thế là lục đục, nhà chả mấy khi có tiếng cười. Sính kể: “Ở nhà bây giờ hết việc để làm rồi, nương ngô bé lắm, mình vợ làm cũng được, nếu không đi làm thêm thì làm gì có ăn, năm nào cũng đói mấy tháng. Buồn lắm.”
Còn với người vợ trẻ, chị cũng có lý do của mình khi giữ chồng ở nhà, bởi chị nghe người trong thôn nói, đi làm thuê bên Trung Quốc cực khổ lắm, mà có khi bị quỵt tiền, người đi thì đông, nhưng người về thì không thấy. Mới lấy chồng chẳng được bao lâu, chị không cam lòng để chồng đánh cược số phận như người anh trai đã sang Trung Quốc làm ăn hai năm nay chưa thấy về một lần.
Thế nhưng, có mấy người vợ ở thôn Xà Phìn C đủ quyết tâm giữ chồng như vợ của Sính. Theo lời bà Lý Thị Kía (Phó Chủ tịch xã Xà Phìn, Huyện Đồng Văn, Tỉnh Hà Giang), xã Xà Phìn đến nay đã có 400 người bỏ sang Trung Quốc làm thuê. Riêng cái thôn Xà Phìn C đã có 16 người bỏ xứ mà đi.
Mỗi năm chỉ có một vụ ngô, nhìn quanh chỉ thấy đá là đá, đói ăn thường xuyên lại nghe lời dụ dỗ đường mật của kẻ xấu nên họ nhắm mắt làm liều.
Đã có lúc cả thôn Xà Phìn C trở nên đìu hiu, vắng bóng đàn ông, vì thanh niên trai tráng có sức vóc, đều tìm đường sang Trung Quốc làm thuê với mong muốn thoát nghèo. Chính quyền địa phương đau đầu tìm lời giải...
Cắm thêm những cột mốc sống
Chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới của do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel triển khai đã đến với Xà Phìn C và nhiều vùng quê nghèo của 11 tỉnh biên giới từ hơn năm nay như một lời giải đáp cho công cuộc thoát nghèo.
Trong đợt đầu tiên nhận bò, cả thôn Xà Phìn được trao 4 con. Niềm vui của 4 hộ nhận bò, cũng là niềm vui chung của cả thôn Xà Phìn C. Bà con, hàng xóm xúm vào giúp các hộ nhận bò dựng chuồng trại mới. Đàn ông dựng chuồng, phụ nữ rải đá lát nền, mỗi người một tay, rộn ràng nơi xóm núi.
Ông Sùng Chúa Chớ, một người dân trong thôn hào hứng kể: Dù không cùng dòng họ, nhưng là người hàng xóm thì phải giúp nhau, có bò rồi, đời sống trong thôn cũng sẽ khác.
Quả đúng như lời ông Sùng Chúa Chớ, từ ngày nhận bò, Gia đình vợ chồng Sùng Mí Sính đã yên vui trở lại, người vợ trẻ thôi không còn giận dỗi nữa. Từ ngày nhận được con bò của chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới, Sính đã bỏ hẳn ý định sang Trung Quốc làm thuê.
Ngoài lúc lên nương, hai vợ chồng cả ngày quẩn quanh bên con bò mới nhận, bảo nhau chăm bò cho tốt, để bò sinh sản, chuẩn bị cho những dự tính tương lai khi đón đứa con đầu lòng.
May mắn nhất trong bốn hộ nhận bò đợt đầu ở thôn Xà Phìn C là nhà ông Sùng Mí Sò. Vợ bỏ đi lấy chồng khác vì quá nghèo, Sùng Mí Sò rơi vào cảnh “Gà trống nuôi con” đã nhiều năm nay.
Được tặng bò giống, Sùng Mí Sò bỏ công chăm sóc, không phụ công, chỉ sau một năm, giờ bò đã sinh được bê con khỏe mạnh, từ người đàn ông bị vợ bỏ do quá nghèo, nay anh đã có cả tài sản lớn trong nhà. Đối với 3 bố con nhà Sùng Mí Sò, điều này giống như một giấc mơ, mà cả trong mơ cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Từ ngày có bò về bản, tình làng nghĩa xóm trở nên gắn bó hơn hẳn, các hộ dân có bò thường xuyên trao đổi nhau những kiến thức học từ cẩm nang chăn nuôi do Viettel phát tặng.
Ngày mưa đồng bào đã biết che chắn chuồng trại cho bò khỏi ướt lạnh, ngày nắng ấm, thay vì nhốt bò quanh năm theo tập quán bao đời, thì nay họ đã biết cho bò ra ngoài ăn cỏ. Khoảng trống bằng phẳng hiếm hoi được bà con ưu ái dành riêng cho việc chăn thả bò. Cuộc sống ở Xà Phìn đã bắt đầu lấp lánh niềm vui.
Chỉ riêng Hà Giang từ tháng 6/2014 đến nay đã có hàng nghìn con bò được trao tặng cho đồng bào nghèo ở các xã biên giới. Hạnh phúc ấy, ở mảnh đất vùng biên vốn nhiều khó khăn này trở nên quý giá hơn bao giờ hết.
Có bò, hàng ngàn người từng có ý định vượt biên đi làm thuê như Sùng Mí Sính đã yên cái bụng để ở lại quê nhà. Thêm một người dân quyết tâm ở lại như Sính là thêm một cột mốc sống, được cắm xuống, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Và đây cũng là lý do, là động lực để hàng ngàn người khác ở bên kia biên giới vững chí để trở về nhà.
Rồi đây, những con đường sẽ bằng phẳng hơn, những đứa trẻ sẽ được đến lớp, vững tin với một tương lai sáng đẹp hơn mà nên tảng là những con bò giống mà họ được nhận ngày hôm nay. Vì ước mơ có bò đã thành hiện thực, chỉ cần họ kiên trì, giấc mơ thoát nghèo sẽ không còn xa vời nữa./.