Theo đó, từ ngày 1/1/2017 sẽ áp dụng chính sách cho khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số.

Đại diện Bộ TT&TT cho biết: Trước mắt, có 3 mạng di động là Viettel, MobiFone và VinaPhone thực hiện chính sách này.

Nghĩa là, nếu thuê bao VinaPhone muốn chuyển sang mạng Viettel sẽ được giữ nguyên vẹn các số di động của mình và ngược lại.

Khi tiến hành chuyển mạng giữ nguyên số sẽ không lấy đầu số gắn với thương hiệu của nhà mạng nữa mà chỉ còn số di động chung cho tất cả các mạng.

Chính sách chuyển mạng giữ nguyên số được đưa ra nhằm thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi của người dùng để tránh tình trạng khách hàng phải dùng cố định một mạng mà không chuyển sang mạng khác được chỉ vì số thuê bao.

Điều này sẽ thúc đẩy các mạng luôn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng ngay cả khi thị trường bão hòa.

Sẽ chuyển đổi như thế nào? 

Trả lời cho câu hỏi này, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: Khi thực hiện đề án chuyển mạng giữ nguyên số, nếu khách hàng muốn chuyển từ mạng di động này sang mạng di động khác sẽ được giữ nguyên tất cả số điện thoại của mình.

Ví dụ, khi khách hàng sử dụng số di động của mạng Viettel hiện nay là 098xxxxxxx, 097xxxxxxx, 096xxxxxx mà muốn chuyển sang mạng của VinaPhone sẽ được giữ nguyên 098xxxxxxx, 097xxxxxxx, 096xxxxxx.

Thuê bao của mạng MobiFone đang sử dụng là 090xxxxxxx, 093xxxxxxx muốn chuyển sang mạng Viettel thì được giữ nguyên tất cả các số là 090xxxxxxx, 093xxxxxxx.

Hoặc thuê bao VinaPhone là 091xxxxxxx, 094xxxxxxxx muốn chuyển sang mạng Viettel sẽ được giữ nguyên tất cả các số 091xxxxxxx, 094xxxxxxxx.

Như vậy, khi chính sách chuyển mạng giữ nguyên số được áp dụng sẽ không còn gắn liền đầu số với thương hiệu của nhà mạng. Ví dụ khi đó không còn định danh đầu số 098, 097, 096 là của mạng Viettel; 091, 094 là của VinaPhone và 093, 090 thuộc sở hữu của MobiFone.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đến tháng 12/2015, Cục sẽ hoàn tất việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung tại Trung tâm mạng quốc gia để đưa vào chạy thử.

Vì vậy, đến thời điểm đó các doanh nghiệp di động có thể kết nối kỹ thuật về Cục Viễn thông để chuẩn bị cho việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số.

Năng lực hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ cho chính sách chuyển mạng giữ nguyên số có thể đáp ứng cho 4 triệu thuê bao chuyển mạng trong 3 năm và không giới hạn số lần chuyển mạng.

Trung tâm chuyển mạng quốc gia sẽ là thành phần cốt yếu của hệ thống triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số tại Việt Nam theo mô hình tập trung.

Giả sử trường hợp một chủ thuê bao di động gửi yêu cầu chuyển mạng tới nhà cung cấp dịch vụ (nhà mạng) A thì nhà mạng A sẽ chuyển tiếp yêu cầu này tới Trung tâm chuyển mạng. Trung tâm chuyển tiếp yêu cầu đó đến nhà mạng cũ (gọi là nhà mạng B) của chủ thuê bao để nhà mạng B kiểm tra, xác thực thông tin thuê bao, sau đó phản hồi lại Trung tâm về việc chấp thuận hoặc từ chối yêu cầu chuyển mạng.

Những thông tin phản hồi này lại được Trung tâm thông báo cho nhà mạng A. Nếu yêu cầu được chấp thuận thì nhà mạng A thông báo lịch trình chuyển mạng cho chủ thuê bao. Trung tâm chuyển mạng sẽ yêu cầu nhà mạng B và nhà mạng A lần lượt thực hiện ngắt dịch vụ và kết nối dịch vụ cho chủ thuê bao; lưu thông tin định tuyến của thuê bao vào cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin này cho tất cả các nhà mạng.

Trung tâm chuyển mạng quốc gia sẽ chịu trách nhiệm xử lý quy trình chuyển mạng. Cơ sở dữ liệu quốc gia đặt tại Trung tâm chuyển mạng quốc gia lưu trữ thông tin định tuyến của tất cả các thuê bao chuyển mạng và thông tin về giao dịch chuyển mạng của các thuê bao nhằm mục đích đối soát giữa các doanh nghiệp.

Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ cập nhật đồng thời tới tất cả cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp viễn thông di động mỗi khi có sự thay đổi thông tin bất kỳ về thuê bao chuyển mạng.

Duy Minh (Tổng hợp)/Theo Ngày nay Online