Ảnh hưởng của bao bì và quảng cáo tới thương hiệu, sản phẩm

Theo nghiên cứu công bố mới đây của Nielsen, bao bì là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của người mua hàng đối với sản phẩm. Do đó, bên cạnh hoạt động marketing quảng cáo thì các thương hiệu còn cần đảm bảo cho thiết kế bao bì sản phẩm của mình nổi bật trên các kệ hàng và giúp người dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm.

Đại diện Nielsen nhận định, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt và trải nghiệm mua sắm ngày càng trở nên phân mảnh hơn trong thế giới kỹ thuật số cùng công nghệ 4.0 thì sức ảnh hưởng của bao bì trong thị trường bán lẻ lại càng được chú trọng.

Có lẽ vì thế mà người tiêu dùng đã không ít lần phải hoảng hốt trước những quảng cáo độc, lạ của các thương hiệu.

Nielsen cho rằng, bên cạnh việc làm marketing thì các thương hiệu còn cần phải đảm bảo thiết kế bao bì không chỉ làm cho sản phẩm nổi bật ở kệ hàng mà còn có thể giúp cho thương hiệu được nhận diện rõ ràng với người mua hàng ở kênh thương mại điện tử.

Tuy nhiên, sức nóng của các cuộc cạnh tranh đôi khi lại đẩy doanh nghiệp vào vũng lầy bởi quảng cáo quá đà, sai sự thật để rồi dần mất đi niềm tin của người tiêu dùng.

Ảnh: Hoàng Linh

Ảnh: Hoàng Linh

Thời gian vừa qua, sự xuất hiện của Nuticafé với bao bì độc, lạ đã gây xôn xao dư luận. Có thể nói, mục đích đầu tiên của thương hiệu đã đạt được khi người tiêu dùng quyết định mua sản phẩm bởi sự hấp dẫn của nhãn mác “TƯƠI”.

Bước chân vào thị trường cà phê, với vị thế là người đến sau, Nuticafé bắt buộc phải có cho mình sự khác biệt và mới lạ để lấy lợi thế cạnh tranh. Nhưng quảng cáo và khẳng định “TƯƠI” đối với sản phẩm cà phê pha sẵn có thành phần không khác là bao so với những loại cà phê hòa tan đã xuất hiện trên thị trường nhiều năm qua liệu có đúng?

Việt Nam chưa có khái niệm và quy chuẩn cụ thể nào cho sản phẩm cà phê hòa tan, do đó mà không có bất kỳ cơ sở nào để xác định Nuticafé là tươi thực sự hay chỉ tươi… trên bao bì sản phẩm?

“Mức án” nào cho doanh nghiệp đánh cắp niềm tin người tiêu dùng?

Như câu chuyện đã kể trước đó về các thương hiệu nước ngoài đã vướng vào những cuộc kiện cáo và án phạt lên tới hàng triệu USD do quảng cáo quá đà, sai sự thật, nhìn lại thị trường trong nước với hàng nghìn những phản hồi tệ về sản phẩm cũng như dịch vụ mỗi năm nhưng chưa có vụ việc nào đủ nóng để cảnh tỉnh doanh nghiệp.

Mặc dù thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi, họ có các yêu cầu cao hơn đối với chất lượng sản phẩm nhưng khi nói về quyền lợi và bảo vệ quyền lợi của chính mình khi gặp sản phẩm kém chất lượng thì mới chỉ có rất ít người lên tiếng. Nhưng nếu vì thế mà doanh nghiệp lại tìm cách để lừa dối niềm tin người tiêu dùng thì phải chăng là quá bất nhẫn?

Sức ép từ nhu cầu của người tiêu dùng cũng như áp lực cạnh tranh giữa các thương hiệu khiến các doanh nghiệp luôn phải tạo ra điểm khác biệt cho các sản phẩm của mình và sự mới lạ trong hoạt động truyền thông quảng cáo để thu hút người mua.

Nhưng đôi khi, doanh nghiệp vì sức ép khách quan cũng như ý thức chủ quan đã có những nội dung quảng cáo quá đà, xa rời sự thật.

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội đã có chia sẻ với PV về vấn đề “quảng cáo 1 tấc đến giời” của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

PV: Thưa luật sư, những hành vi quảng cáo quá đà, sai sự thật của doanh nghiệp có vi phạm hay không và gây tổn hại thế nào tới quyền lợi của người tiêu dùng?

LS. Chu Mạnh Cường: Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo là hoạt động không thể thiếu của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu họ muốn phát triển, quảng bá cho sản phẩm của đơn vị mình.

Tuy nhiên, để quản lý hoạt động quảng cáo, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hoạt động quảng cáo cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quảng cáo là Luật quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Điều 8 Luật Quảng cáo quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó khoản 9 quy định: Nghiêm cấm việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính.

LS. Chu Mạnh Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính.

Căn cứ quy định của Luật quảng cáo 2012, có thể thấy hành vi quảng cáo sa đà, sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ được cung cấp là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo.

Hành vi quảng cáo sai sự thật của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ gây tổn hại trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, khiến họ tiếp nhận thông tin sai lệnh về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, từ đó đưa ra các quyết định sai lầm trong việc mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với chất lượng thực của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng mong muốn.

PV: Phải chăng người tiêu dùng Việt Nam không biết được những điều này mà vẫn bị hấp dẫn bởi những lời quảng cáo có cánh của các doanh nghiệp để rồi sau đó mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã bị “lừa”? Ở góc độ của nhà làm luật, ông có lời tư vấn nào cho người tiêu dùng để bảo vệ được quyền lợi của chính mình, tránh được những cú “lừa” mật ngọt của các doanh nghiệp?

LS. Chu Mạnh Cường: Trong tình hình hiện nay, khi mà trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng lựa chọn, với đủ loại hình quảng cáo được tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thực hiện, người tiêu dùng dường như không còn đủ thời gian, sự kiên nhẫn để tìm hiểu, nghiên cữu kỹ các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi đưa ra quyết định.

Nhiều trường hợp, khi đã mua phải các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với nội dung quảng cáo, đa số người tiêu dùng lại có tâm lý “bỏ qua”, vì cho rằng giá trị cũng chẳng đáng là bao, để rút kinh nghiệm lần sau, không có biện pháp cương quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Chính vì thực trạng thị trường, tâm lý tiêu dùng đó đã dẫn đến thực tế là tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, gây nhầm lẫn vẫn đang diễn ra, và rất ít trường hợp bị xử lý.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, về phía người tiêu dùng cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đừng hoàn toàn tin ngay vào các nội dung quảng cáo, đặc biệt là đối với các sản phẩm, dịch vụ mới, chưa có nhiều uy tín trên thị trường.

Trong trường hợp phát hiện việc quảng cáo sai sự thật, không đúng với thực tế sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng cần thông báo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Vân Hà/Đô Thị Mới