Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, nhiều người, nhiều gia đình đã tự giác thay đổi thói quen, có cách hành xử văn minh, phù hợp với quy định về chống dịch ở nơi công cộng.

Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang bước vào giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và mới đây nhất là Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”, đa số người dân đều hạn chế ra đường, trường hợp cần thiết phải ra đường đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc cộng đồng…

Cùng với đó, những thói quen tụ tập chuyện trò, rủ nhau đi thể dục, chơi cờ hay đi chợ... đã dần biến mất trong cuộc sống. Từ công sở đến các khu dân cư, tại các chợ dân sinh đến các siêu thị, cách ly xã hội đã được thực hiện nghiêm. Điều này ít nhiều đều gây xáo trộn trong cuộc sống, song mỗi người dân đều tự giác chấp hành. Đó là một cách thể hiện văn hóa ứng xử, là ý thức, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng.

Giống như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có mật độ dân số đông và là nơi có số người mắc Covid-19 cao nhất cả nước nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Vì thế, chỉ cần một người không thực hiện nghiêm các quy định tại các văn bản nêu trên, sẽ ảnh hưởng ngay đến cộng đồng, khiến nguy cơ chống dịch của cả xã hội trở nên đổ bể...

Hà Nội là địa phương luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua của cả nước. Để chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19, trong thời gian tới, mỗi người dân Thủ đô càng phải nêu cao tinh thần gương mẫu, ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử nơi công cộng trong thực hiện nghiêm các quy định, yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Để thực hiện tốt điều này, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để toàn thể người dân đồng lòng hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các Chỉ thị của Thủ tướng, Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong phòng, chống dịch Covid-19. Việc tuyên truyền cần gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức như: Thông qua hệ thống chính trị tại địa bàn dân cư, qua tuyên truyền phát thanh lưu động, pano, áp phích, phát tờ rơi... để nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch ở mỗi người dân.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm quy định ứng xử ở nơi công cộng. Đồng thời, các cán bộ tại cơ sở cần tích cực nhắc nhở tới từng hộ gia đình để mọi người nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

Mỗi người dân Thủ đô chỉ có thể trở thành "một chiến sĩ chống dịch" khi nêu cao ý thức, tự giác chấp hành việc đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện… Tự giác dọn vệ sinh nơi ở, không vứt bừa bãi khẩu trang đã qua sử dụng; không khạc nhổ bừa bãi… Người dân tại các khu chung cư cần rửa tay trước khi vào thang máy, không nói chuyện, cười đùa, không nghe điện thoại trong thang máy, giữ gìn vệ sinh chung…

Mỗi người ứng xử có trách nhiệm, có văn hóa sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng!

Theo Hà Nội Mới