Luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, đầu năm 2017, thành phố còn 79 công trình chưa nghiệm thu PCCC. Đến tháng 12/2017 có 31 công trình đã khắc phục tồn tại và được nghiệm thu PCCC. Như vậy, hiện Hà Nội hiện còn 48 công trình vi phạm chưa được nghiệm thu.

Được biết, đến nay, Cảnh sát PCCC đã kiểm tra 501 lượt, xử phạt 134 trường hợp, với số tiền trên 4 tỷ đồng. Đã đình chỉ hoạt động 6 công trình, 28 hạng mục công trình và đề xuất UBND TP. Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đình chỉ và tạm đình chỉ 16 công trình.

Liên quan đến 167 toà nhà chung cư phục vụ tái định cư còn tồn tại vi phạm về PCCC, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội từng thừa nhận tiến độ khắc phục còn chậm; 59 công trình mới chỉ thực hiện xong khảo sát, 47 công trình đã ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống PCCC.

Tổng mức kinh phí khắc phục tồn tại các công trình này lên tới trên 170 tỷ đồng, Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND TP xin ý kiến chỉ đạo, có thể kêu gọi xã hội hoá để từng bước khắc phục.

Tương tự, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trong 133 tòa nhà chung cư tái định cư, Sở Xây dựng đã khảo sát cùng Cảnh sát PCCC, các đơn vị vận hành về tình trạng toàn bộ các tòa nhà. Trong giai đoạn 1, đã triển khai 68 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 92 tỷ đồng.

Tổng kinh phí nâng cấp các tòa nhà chung cư xây dựng từ năm 2000 đến 2010 với tiêu chuẩn của PCCC cũ là gần 68 tỷ đồng. Kinh phí đối với nâng cấp toàn diện theo tiêu chuẩn mới nhất của PCCC là 92 tỷ đồng cho 132/179 tòa nhà chung cư tái định cư.

Khoảng 13h15 chiều nay (25/12), một vụ hỏa hoạn lớn bất ngờ xảy ra tại chung cư Golden Westlake, số 162 đường Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ, Hà Nội)

Chiều 25/12, một vụ hỏa hoạn lớn bất ngờ xảy ra tại chung cư Golden Westlake, số 162 đường Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ, Hà Nội).

Câu trả lời từ các vị đại diện này cho hay, một số vấn đề về PCCC đã được khắc phục ngay nhưng vẫn còn những tồn tại chưa thể giải quyết do nhiều vấn đề liên quan đến công năng sử dụng và kinh phí đầu tư lớn nên cần phải có thêm thời gian. Theo đó, tiến độ khắc phục, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục, bảo đảm công trình đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC còn chậm trễ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại các chung cư.

Minh chứng rõ ràng nhất là vụ cháy ngày 25/12 tại tòa chung cư hạng sang Golden Westlake, 162A Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội. Đáng chú ý là chung cư này không nằm trong “danh sách đen” các công trình vi phạm PCCC.

Nhiều người dân tại tòa chung cư cho rằng khi xảy ra cháy, họ không nghe thấy tiếng chuông cảnh báo. Theo đó, không ai có thể đảm bảo những tòa nhà đã nghiệm thu PCCC có thể không xảy ra các rủi ro. Và chỉ khi thực sự xảy ra cháy mới tìm đến nguyên nhân do con người hay kỹ thuật?

Giải pháp nào hoàn chỉnh nhất?

Mới đây, tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản - tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, Thủ đô vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc dân sinh chưa được giải quyết.

Cụ thể là trên địa bàn thành phố còn nhiều công trình xây dựng sai phép, chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng. Một số công trình chưa đảm bảo an toàn PCCC. Ông Sơn cho hay: “Nếu đưa vào sử dụng là một rủi ro rất lớn cho người dân. Về PCCC, nếu người dân đã vào ở rồi thì rất khó để xử lý”.

Thực tế, số liệu thống kê của TP. Hà Nội cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2017, toàn thành phố đã xảy ra 626 vụ cháy là 18 người chết, thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng.

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho hay một công trình xây dựng luôn phải tính toán đến hệ thống PCCC bắt đầu từ trong thiết kế, việc đảm bảo các thiết bịPCCC từ bình chữa cháy, chuông báo cháy, thang cứu hộ.

Bên cạnh đó, Luật PCCC cũng đã có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý về thiết lập đầy đủ hệ thống này cho công trình nhà ở hay bất kỳ công trình cao ốc nào khác.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Tòa nhà chung cư cao tầng vốn tập trung đông dân cư nên ngoài việc đảm bảo đúng các quy định về PCCC thì cũng phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng. Không thể để đến khi các vụ cháy xảy ra mà các thiết bị chữa cháy lại không hoạt động.

Với lẽ đó, các chủ đầu tư xây dựng phải tôn trọng nguyên tắc xây dựng là phải nghiệm thu xong PCCC hoàn toàn mới được bàn giao cho người dân về ở. Khi đã nghiệm thu là phải bàn giao các hạng mục hoàn chỉnh. Sau khi dân đến ở thì Ban quản lý (BQL) phải có những buổi huấn luyện, hướng dẫn cư dân biết cách sử dụng các thiết bị và vị trí để họ có thể sử dụng khi xảy ra cháy nổ”.

Đưa ra giải pháp lâu dài về câu chuyện phòng cháy ở các tòa nhà, ông Lê Quốc Huy, Phó Chủ nhiệm CLB quản lý tòa nhà Hà Nội chia sẻ với Reatimes: “Khi bắt đầu làm việc với nhà thầu để lắp đặt hệ thống báo cháy thì phải yêu cầu chủ đầu tư rằng, BQL sẽ kiểm tra từng đầu báo cháy, phải đúng các chỗ lắp đặt hệ thống báo cháy thì mới nghiệm thu. Có như vậy thì sau này trong quá trình vận hành mới thuận lợi.

Đặc biệt, đối với những tòa nhà hiện đại thì yêu cầu phòng cháy rất cao. Khi có một đầu báo cháy thì tất cả các điểm báo trong tòa nhà sẽ đồng loạt kêu. Thực tế, có khi trong quá trình đun nấu, khói bốc lên cũng kích hoạt hệ thống báo cháy. Tuy nhiên, điều đầu tiên mà BQL tòa nhà nào cũng phải làm là chưa cần biết cháy thật hay cháy giả đều phải kịp thời đến kiểm tra, xử lý theo quy trình để nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng do cháy”.

 

Theo Reatimes.vn