Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Chính quyền địa phương "bật đèn xanh" 

Trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng chuyên ngành của Sở Xây dựng Hà Nội cùng với UBND các quận, huyện, thị xã và Đội quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn thủ đô đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình); phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.

Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội - ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, đến nay đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 66,2%. Trong đó, cưỡng chế phá dỡ 6 trường hợp; tự khắc phục 114 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 37 trường hợp.

Sở đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp, chiếm 33,8%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 13,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù số lượng công trình xây dựng mới vi phạm TTXD có chiều hướng giảm, nhưng về hình thức vi phạm lại diễn biến phức tạp và khó lường hơn.

Dự án của Công ty CP Hóa chất nhựa thay đổi kiến trúc, phá vỡ quy hoạch.

Một số cá nhân, hộ gia đình cố tình vi phạm, số khác thì "lách luật" móc nối với cán bộ chính quyền địa phương "bật đèn xanh" để được xây dựng thêm những phần ngoài giấy phép. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội. Và đặc biệt nói về những sai phạm này phải kể đến loạt dự án, công trình vi phạm tại địa bàn phường Bồ Đề (thuộc quận Long Biên). 

Cụ thể, tại dự án xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại ô đất trúng đấu giá tại ô quy hoạch E.2/N07 với diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 2.778,8m2, tổng số nhà ở là 22 căn hộ thấp tầng với mật độ xây dựng 70 – 80%, chiều cao các công trình không vượt quá 16m tương đương với 4 tầng do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Trường Hưng làm chủ đầu tư. 

Dù quy hoạch như vậy nhưng thời điểm hiện tại do sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo chính quyền sở tại và lực lượng quản lý TTXDĐT phường Bồ Đề thì các công trình nhà ở tại dự án này đang thi công đi vào hoàn thiện với chiều cao lên đến 6 tầng, mật độ xây dựng 100%, sai phạm nghiêm trọng với các nội dung như vượt tầng, vượt mật độ, phá vỡ quy hoạch, trong đó nhiều căn hộ đã hoàn thiện xong được chủ đầu tư đưa vào sử dụng.

Công trình số 31 Lâm Hạ (phường Bồ Đề) nằm ngay khu phố quy hoạch theo kiểu mẫu nhưng hiện tại  hàng loạt công trình sai mật độ,  vượt chiều cao, phá vỡ quy hoạch

Tương tự sai phạm tại ông trình số 141 – 143 phố Hồng Tiến (tổ 10, phường Bồ Đề) được chủ đầu tư thi công vượt tầng, sai mật độ, vượt diện tích được cấp trong GPXD. Hiện tại chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện đưa vào sử dụng với 8 tầng, có hầm, có lửng. Trao đổi nhanh qua điện thoại, một cán bộ phường Bồ Đề cho biết, công trình số 141 – 143 phố Hồng Tiến được cấp phép 7 tầng, có lửng, có hầm, có tum, hiện tại công trình đang thi công tràn hết tum thành tầng, sai về mật độ, vượt diện tích được cấp phép.

Một số chủ đầu tư nhỏ lẻ như tại công trình số 27 đường Lâm Du; công trình số 31 Lâm Hạ; công trình số nhà 51 Lâm Hạ… thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội thi công sai phạm nghiêm trọng TTXD với các nội dung vượt tầng, vượt mật độ, thay đổi kiến trúc, phá vỡ quy hoạch nhưng không bị lãnh đạo chính quyền sở tại và lực lượng chức năng có liên quan quận Long Biên ngăn chặn, xử lý. 

Công trình sai phạm vượt trội về số tầng, mật độ nằm cạnh công trình sai phạm của Công ty CP dược liệu.

Nổi cộm trong các dự án, công trình vi phạm kể trên còn có Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng (chủ đầu tư là Công ty CP Hóa chất nhựa) nằm tại ô quy hoạch E.2/NO11. Dự án đã được chia thành 128 lô liền kề với các loại diện tích đa dạng (96, 100, 114, 120, 150, 160m2), mật độ xây dựng 70%, và quy hoạc chiều cao xây dựng tương đương với 5 tầng, phía trên có dàn hoa. Quy hoạch là vậy, nhưng hiện tại các căn biệt thự thuộc dự án được chủ đầu tư thi công biến tấu dàn hoa quây và đổ thành các tầng để đưa vào sử dụng với mật độ xây dựng 100%, sai phạm nghiêm trọng công tác TTXD với các nội dung như vượt tầng, thay đổi kiến trúc, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch.

Để làm rõ các thông tin liên quan đến loạt công trình, dự án có dấu hiệu sai phạm nêu trên, PV đã liên hệ đến ông Nguyễn Văn Luyện, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề. Tuy nhiên, ông Luyện chưa thể cung cấp thông tin, chỉ cho biết sẽ kiểm tra.

Ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm. Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. “Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm”.

Quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý TTXD

Ngày 22/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg về việc Thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội trong thời hạn 2 năm (10/8/2018 - 10/8/2020).

Theo quy định, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là lực lượng quan trọng giúp UBND cấp huyện quản lý trật tự xây dựng đô thị từ khâu kiểm tra, thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý đến việc tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm.

UBND quận, huyện, thị xã được tăng thẩm quyền trong điều hành, chỉ đạo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh giữa các đơn vị; các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nhưng sau gần 2 năm thực hiện thí điểm, vai trò của Đội QLTTXDĐT vẫn còn mờ nhạt, bởi những sai phạm về TTXD trên địa bàn thành phố còn tồn tại không ít, thậm chí còn phát sinh thêm nhiều sai phạm mới mà không hề được xử lý.

Ngày 04/01/2016, UBND thành phố Hà Nội có ban hành Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên đia bàn thành phố Hà Nội;

Ngày 5/4/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng;

Ngày 17/7/2018, ban hành văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng… 

Trước những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý TTXD, ngày 25/3/2019 Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý TTXD. Đây là nội dung được HĐND thành phố Hà Nội quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại ba kỳ họp liên tiếp của HĐND thành phố khóa 15.

Công trình số 171 Lâm Du sai phạm nghiêm trọng công tác TTXD. 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội trong năm 2019, hiện vẫn còn hàng chục công trình vi phạm TTXD trên địa bàn các quận, huyện vẫn chưa được xử lý. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các quận, huyện.

Điều đáng nói, đại biểu HĐND thành phố cũng như các cử tri đặt ra là vì sao các sai phạm dù đã rõ địa chỉ, đã được các cấp, các ngành kết luận thanh tra, thậm chí đã từng bị cưỡng chế tháo dỡ, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cá biệt, nhiều vi phạm cũ chưa được xử lý thì đã phát sinh sai phạm mới.

Công trình số 55 Lâm Hạ, phường Bồ Đề (Long Biên) vẫn được thi công dù xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm TTXD mà không bị cơ quan quản lý kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng nhưng một số Đội, lãnh đạo chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm mà giao phó cho Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị giải quyết. Một số bộ phận còn nể nang, ngại va chạm dẫn đến việc xử lý chưa được dứt điểm, kịp thời.

Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Trước thông tin hàng loạt các công trình, dự án đã và đang xây dựng có nhiều dấu hiệu sai phạm, vi phạm xây dựng trên địa bàn quận Long Biên nói chung và UBND các phường nói riêng, rất cần các cơ quan chức năng cấp cao sớm thanh tra, kiểm tra, đưa ra các biện pháp khắc phục và xử lý. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý khi để xảy ra sai phạm.

Người dân quận Long Biên đang rất mong UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ các công trình trên để tránh làm phá vỡ quy hoạch chung của Thủ đô và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân.

Theo Hương Ly/Đô Thị Mới