Tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị điều chỉnh giá heo hơi xuống mức 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại các địa phương, giá heo hơi vẫn chạm đỉnh, có nơi lên đến mức 85.000 đồng/kg. Điều này khiến thịt heo đến tay người tiêu dùng hầu như không giảm, dao động từ 130.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại.

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang chậm lại do ảnh hưởng dịch cúm Covid-19, giá cả trên thị trường đang có xu hướng giảm, trừ các mặt hàng bảo hộ y tế, thì đáng lẽ ra giá heo hơi phải giảm.

Đơn cử, xăng đã giảm, điện cam kết không tăng đến hết quý 2, ngân hàng giảm lãi suất, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách giảm, hoãn, giãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp... nhưng thịt heo vẫn treo giá ở mức rất cao.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá heo hơi tại tỉnh này nằm ở mức 78.000 - 80.000 đồng/kg, và nhu cầu tiêu thụ heo có dấu hiệu tăng. Hiện giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa thấy có biến động lớn từ sau yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giảm giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg.

"Thông thường, các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường điều chỉnh giá theo tuần, rất có thể đầu tuần sau họ điều chỉnh, giá heo hơi mới có sự biến động", ông Đoán nói.

"Các nông dân muốn tái đàn phải mua heo giống với mức giá khá cao, bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/con, cộng với chi phí chăm sóc, phòng bệnh đều tăng cao do phải đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học nên giá heo hơi có cao hơn thời gian trước do đó việc tái đàn cũng gặp khó khăn hơn". Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến giá thịt không hạ nhiều. Tuy nhiên, với mức giá cao như hiện tại, người chăn nuôi heo hơi chỉ cần bán ra với giá 74.000 - 75.000 đồng/kg, doanh nghiệp đã lãi 3 triệu đồng/con.

Có thể một nguyên nhân nữa mà ông Đoán nhận định thì các lò mổ tại Việt Nam có quy mô nhỏ. Chỉ một số ít đơn vị lớn ký hợp đồng trực tiếp với các lò mổ và các thương lái phải mua qua các đơn vị cho nên thị trường heo hơi giá luôn cao.

Giá heo hơi đã giảm nhưng vẫn cao hơn thời gian trước dịch bệnh

Qua một khoảng thời gian dài dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại các địa phương khiến thị trường khan hiếm giá heo. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhập khẩu 25.291 tấn thịt heo các loại, tăng 205% so cùng kỳ năm ngoái. Sắp tới, số lượng thịt heo nhập còn tăng cao hơn. Ông Đoán cho rằng đây là giải pháp để giá heo trên thị trường có thể giảm xuống.

Ông cũng ủng hộ việc Chính phủ kêu gọi giảm giá thịt heo, bình ổn thị trường. Bởi thực tế thị trường đang không khan hiếm như đợt sau dịch. Theo ông Đoán, ngành chức năng cần xem lại khâu trung gian để giảm bớt chi phí, sao cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều được lợi, và có chính sách hỗ trợ nông dân tái đàn an toàn.

Còn ông Đoàn Ngọc Thơ - nhà nhập khẩu thịt các loại tại TP HCM nhận xét, hiện giá heo hơi đang được bán ngang bằng với giá dịp cận Tết thì không hợp lý chút nào và ông cũng hy vọng đợt nhập khẩu thịt lợn sắp tới sẽ khiến giá heo hơi bình ổn lại. 

Cũng như ông Đoán, ông Thơ cho rằng, một lúc nào đó, sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu sẽ giúp điều tiết giá thịt lợn trong nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là sản phẩm thịt phải sạch và nguồn gốc rõ ràng,

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có khả năng kéo dài, những nhà kinh doanh cũng cần chia sẻ, đồng hành với người tiêu dùng để đến khi giá thịt heo tăng, người tiêu dùng không quay lưng với mình.

Hiện Việt Nam không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt heo nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu và dự kiến sản lượng thịt heo nhập khẩu trong năm nay sẽ tăng cao hơn nhiều so với năm 2019, với 150 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018). 

Tuy nhiên, có cái khó trong thời điểm này là dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu, đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, đàm phán, giao thương của các doanh nghiệp. Việc tìm kiếm thị trường mới cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Bình An/Đô thị mới