Trong ngày Tết, mọi người thường lựa chọn cây quất hay hoa đào, hoa mai để làm cây cảnh bày trí trong nhà.
Không phải bỗng nhiên mà những loài cây này được chọn để đặt vào vị trí đẹp nhất trong nhà và "tỏa sáng" vào những thời khắc quan trọng nhất trong năm. Có rất nhiều lý do mà đào, mai và quất được chọn làm cây cảnh trang trí ngày Tết.
Cây quất, quýt
Theo âm tiếng Hán, phát âm từ “quất” gần giống âm của từ “cát" có nghĩa là tốt đẹp, điều phúc điều lành.
Bởi vậy mà cây quất thường được chọn để tranh trí trong nhà vào ngày Tết.
Khi chọn cây, người mua thường tìm những cây có lá xanh tốt, quả vàng đều, sai quả thể hiện sự phù trú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
May mắn hơn nếu chọn được cây có cả quả chín, quả xanh và còn lộc non. Điều này thể hiện sự đầy đủ, thành công, may mắn và sinh trưởng.
Do đó, mỗi khi Tết đến xuân về, mọi người lại bài trí cây quất cảnh, dù cây to hay nhỏ, với mong muốn một năm mới tốt đẹp, may mắn cho gia đình.
Ngoài ra, trong kinh doanh, đặt cây quất ở văn phòng hay cửa hàng sẽ mang lại cát khí lớn, sự đầu tư sáng suốt và thu được nhiều tài lộc.
Cây quất còn là biểu tượng của sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên.
Cây cam hoặc chanh cảnh
Cùng họ với quất, quýt, cây cam và chanh cảnh cũng mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng. Với kích cỡ to hơn, cam hay chanh cảnh thường được trồng trước cổng nhà hay cổng công ty trong những ngày đầu năm tượng trưng cho sự phát triển tài lộc.
Thêm vào đó, theo quan niệm của người Trung Hoa thì những quả cam chín tượng trưng cho vàng, vì chữ “cam” phát âm là “kim” tức là vàng.
Vì vậy, mỗi dịp Tết đến, mọi người thích trưng cây cảm cảnh nhỏ trong nhà hay trồng ngoài cổng bởi những cây cam trĩu quả mang ý nghĩa tài lộc, phát tài cho gia chủ.
Một điều cần chú ý là: Nếu bạn trồng một cây cam hoặc cây chanh cảnh thì hãy chọn hướng Đông Nam để trồng bởi đây là hướng tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng.
Cây đào, cây mai
Đào và mai là loài hoa nở vào mua xuân, biểu tượng cho sức sống, sự tươi trẻ, sinh sôi.
Hoa mai vàng nở rộ tượng trưng cho sự sung túc ấm áp còn hoa đào với sắc đỏ thắm lại là tượng trưng của sự may mắn, no đủ.
Bởi vậy mà đây là loài hoa mà hai miền Nam Bắc vẫn bày trong phòng khách hay trên ban thờ gia tiên ngày Tết.
Cây đào còn được coi là tinh hoa của ngũ hành. Bởi theo phong thủy cây này có thể trị bách quỷ, do đó khi đón năm mới mọi người hay trồng đào trước cửa nhà.
Nhiều gia đình không bày trí hoa đào, mai thật thì lại lựa chọn những bức tranh thêu hay tượng hình cây đào để bày trí trong nhà ngày Tết.
Ngoài ra, đối với văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh hoa đào còn được được gắn với các cô gái trẻ, mảnh mai.
Do đó mà có quan niệm cho rằng những ai còn độc thân, nếu treo một bức tranh cây đào có quả trong phòng riêng thì người đó sẽ may mắn trong đường tình duyên. Cũng có thể đặt một bức tượng hình cây đào ở hướng Tây Nam để có vận may yêu đương.