Mâu thuẫn với đề án đẩy lùi “tín dụng đen”
Đối với giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, dự thảo quy định, công ty tài chính (CTTC) chỉ giải ngân trực tiếp đối với khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Đồng thời, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC.
Lý do là vì NHNN phải kiểm soát tốt việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, quy định trên có thể cản trở mục tiêu dùng tín dụng chính thức để đẩy lùi “tín dụng đen” tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Những người vướng vào tín dụng đen thường là người có nhu cầu vay nóng tiền mặt, chứ không phải là người vay tiền để mua hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, họ là những người không thể tiếp cận được ngân hàng hay thậm chí là CTTC nên không phải là khách hàng đã và đang vay tại CTTC, hoặc họ không có lịch sử tín dụng tốt, có nợ xấu. Vậy nên nếu siết lại việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay của CTTC thì người dân buộc phải "trông chờ" vào “tín dụng đen” để giải quyết nhu cầu vay cấp bách của họ.
Theo các chuyên gia, với việc siết cho vay tiền mặt như Dự thảo Thông tư lần này, vô hình trung đã tự hạn chế sự phát triển của một công cụ hữu hiệu trong việc chống “tín dụng đen”.
“Muốn diệt trừ “tín dụng đen” thì phải để các ngân hàng, CTTC có một môi trường cho vay tiêu dùng một cách tốt nhất. Vừa muốn khống chế “tín dụng đen”, lại vừa khống chế hoạt động cho vay của các ngân hàng, CTTC thì hai điều này rõ ràng là mâu thuẫn với nhau” - chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo vị chuyên gia này, bản thân các CTTC sẽ tự xác định tỷ lệ giải ngân phù hợp, căn cứ vào danh mục khách hàng và từng khách hàng cụ thể.
“Hãy để các CTTC tự làm chuyện đó vì chỉ có họ mới hiểu khách hàng của họ, không nên dùng công cụ hành chính để khống chế trần như thế” - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Đẩy lùi “tín dụng đen” phải phát triển cho vay tiêu dùng
Mới đây, tại Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng, đó chính là: không nhất thiết phải là “tiết kiệm trước, tiêu sau”, mà có thể là “vay mua trước, trả sau”. Như vậy, cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu/tiêu dùng hiện đại, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại, tổ chức tài chính chính thức, giúp người dân có thêm lựa chọn thay vì tìm đến tín dụng phi chính thức.
Đồng ý với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, cho vay tiêu dùng chính thức góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen… Tuy nhiên, chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, kiến thức về tài chính, tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là quan niệm lệch lạc khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là “tín dụng đen”.
Theo số liệu từ StoxPlus, 47% người Việt có tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% là vay từ tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc "tín dụng đen". Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ ngân hàng vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu, cần tài sản thế chấp. Đặc biệt, thị trường nông thôn, vùng ven với 60 triệu dân vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các tổ chức tín dụng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận.
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất để đẩy lùi tệ nạn "tín dụng đen" là phát triển tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, để tín dụng tiêu dùng phát triển và hiệu quả thì cần hoàn thiện nhiều yếu tố, không chỉ hành lang pháp lý mà còn là sự quyết tâm, vào cuộc và tăng cường truyền thông tới người dân. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vay.