Ngân hàng Thế giới (WB) vừa điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD trong báo cáo tháng 10/2020 lên 17,2 tỷ USD trong báo cáo tháng 5/2021.

Trước đó, tại Báo cáo Di cư và Kiều hối của WB công bố tháng 11/2020, dự báo lượng kiều hối năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD - chiếm tỷ trọng 5,8% GDP.

Thời điểm đó, WB nhận định, đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2010. Trong năm 2019, kiều hối về Việt Nam đạt 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.

Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 5 năm qua, WB ước tính tổng kiều hối người Việt gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỷ USD.

Kiều hối
Ảnh minh hoạ.

Như vậy, Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 thế giới năm 2020 (theo tỷ trọng GDP), xếp thứ ba khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc (59,5 tỷ USD) và Philippines (33,3 tỷ USD).

Nếu không tính Trung Quốc thì lượng kiều hối nhận về tại các nước thu nhập thấp và trung bình còn lớn hơn tổng mức đầu tư ngoài nước và nguồn viện trợ chính thức gộp lại. Điều đó thể hiện vai trò rất quan trọng của nguồn lực kiều hối đối với phát triển, WB nhận định.

Báo cáo của WB cũng cho thấy, tuyến chuyển tiền từ Thái Lan về Việt Nam là một trong 5 tuyến kiều hối đắt đỏ nhất thế giới trong cả hai năm 2019 và 2020. Phí chuyển một khoản kiều hối tương đương 200 USD từ Thái Lan tới Việt Nam có thể lên tới 13% số tiền được chuyển.

Nhìn chung, phí chuyển kiều hối tới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương giảm nhẹ từ 7,05% trong quý III/2020 xuống còn 6,86% trong quý IV. Phí rẻ nhất là khi chuyển đến Philippines, trung bình chỉ mất khoảng 3% trong quý cuối năm 2020. Phí chuyển từ Thái Lan đi các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á là cao nhất, trung bình lên tới 13,5% trong quý IV/2020.

Theo Thế Vũ/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/viet-nam-tiep-tuc-dung-trong-top-10-quoc-gia-co-luong-kieu-hoi-lon-nhat-post133239.html