Tại buổi họp báo chia sẻ thông tin về việc Việt Nam và EU hướng tới phê duyệt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Liên minh châu Âu (EU) vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang 28 nước của EU là xuất khẩu sản phẩm gỗ, chủ yếu là sản phẩm gỗ ngoài trời. Việt Nam không xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang EU. Tất cả những sản phẩm gỗ xuất sang EU được thực hiện kiểm soát chặt chẽ.
EU là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam. Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này đang chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại gỗ. Tiềm năng của thị trường này khá lớn và Việt Nam sẽ có điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa nếu thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT nghiêm túc.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Vấn đề minh bạch hóa nguồn gỗ nhập khẩu từ rừng tự nhiên, không chỉ nhập khẩu từ các nước láng giềng mà kể cả kiểm soát chuỗi cung từ các quốc gia khác là vấn đề Việt Nam rất quan tâm trong suốt 6 năm đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT vừa qua.
Trên cơ sở thỏa thuận với EU và các đối tác về kiểm soát nguồn gốc gỗ, mới đây, Việt Nam đã sửa Luật Lâm nghiệp. Lần đầu tiên, Luật có đề cập đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chuỗi cung hợp pháp theo thông lệ rất mới.
Sau Luật Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ 4 nghị định. Bộ cũng đã ban hành 7 thông tư, trong đó có một thông tư chuyên về truy xuất và kiểm soát nguồn gốc gỗ, bắt đầu thực thi từ ngày 1/1/2019.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Trên thực tế, kiểm soát cả chuỗi cung không hề dễ. Hiệp định VPA/FLEGT đã ký kết cũng còn cần có thời gian phê chuẩn, chờ đợi để có Giấy phép FLEGT đầu tiên. Năm 2019, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ nghị định riêng về thực thi kiểm soát chuỗi cung theo Hiệp định VPA/FLEGT.
“Việt Nam không chỉ mãi là nước thứ hai tham gia Hiệp định VPA/FLEGT ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia-PV), Việt Nam cam kết với EU vận động các nước trong khu vực cùng tham gia vào chương trình FLEGT, tốt nhất là ký được hiệp định với EU hoặc Việt Nam cùng với nước bạn chấp nhận việc kiểm soát chuỗi cung. Việt Nam đang nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nước láng giềng là hợp pháp theo quy định của nước bạn nhưng vẫn phải làm sâu hơn, cùng nước bạn củng cố niềm tin, thực hiện có trách nhiệm, đảm bảo gỗ được khai thác ở những nơi hợp pháp”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Xung quanh vấn đề này, bà Heidi Hautala-Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu nhấn mạnh: Hiệp định VPA với Việt Nam là hiệp định thứ 2 tại châu Á mà EU đã ký kết, sau Indonesia. Đây là một bước đi quan trọng của EU trong việc xây dựng một chiến lược rộng hơn nhằm nâng cao đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại châu Á và nhằm chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Việt Nam đã cam kết ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo chỉ có gỗ được sản xuất hợp pháp nhập khẩu vào Việt Nam.
“Trên cơ sở hệ thống trách nhiệm giải trình cho nhà nhập khẩu, hệ thống này có thể được xem là một thành tựu lớn của Hiệp định VPA. Việt Nam cần thực hiện tất cả các nỗ lực để đảm bảo rằng trách nhiệm giải trình không chỉ dừng lại ở việc thực hiện trách nhiệm trên giấy tờ”, bà Heidi Hautala nói.
09/01/2019, 01:18 GMT+7
EU là thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ tư của Việt Nam (Ảnh TL)