Liên quan đến phản ánh Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty VNPAY) có quảng cáo dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng khi giới thiệu hình thức thanh toán bằng quét mã QR được giảm 50%, 30%, 20%, 10% và định mức số tiền tối đa chỉ là 50.000đ dù giá trị mua hàng hoá lớn hơn. Nhiều khách hàng cho rằng đây là chiến lược quảng cáo của doanh nghiệp.

Mới đây, VNPAY sau khi tiếp nhận thông tin đã có công văn phản hồi Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, (do ông Lê Tánh – Tổng Giám đốc VNPAY ký) cho biết, đây là chương trình khuyến mại do VNPAY thực hiện trong định hướng kinh doanh của doanh nghiệp và với mức giảm nhỏ hơn 50.000đ (dù quảng cáo là quét mã giảm tới 50%) thì được cho là vẫn phù hợp với thể lệ đưa ra trước đó.

Công văn phản hồi Reatimes của VNPAY do ông Lê Tánh - Tổng Giám đốc VNPAY ký.

Trước phản ánh của người tiêu dùng, PV có đặt thêm câu hỏi về phần lợi nhuận khi thu về từ việc liên kết với doanh nghiệp có phải là số tiền chiết khấu theo chiết khấu từ 10-50% như VNPAY đang quảng cáo hay không thì trong công văn phản hồi không đề cập đến, thay vào đó là thông tin liên quan đến chủ trương, xu hướng thói quen thanh toán không tiền mặt của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp các hộ kinh doanh đăng ký VN Pay không có ghi chú định mức số tiền chiết khấu tối đa xảy ra tranh cãi với khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng và doanh nghiệp thì VNPAY có đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng hay không? Đại diện VNPAY chỉ cho biết chung, về phía VNPAY, khi truyền thông thể lệ chương trình khuyến mại đã có ghi rõ mức khuyến mại và định mức khuyến mại.

Chưa dừng lại ở đó, gần đây chúng tôi lại tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của khách hàng về việc giao dịch không thành công nhưng chưa được hoàn lại tiền. Cụ thể: Theo phản ánh của khách hàng (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) ngày 22/1/2020, chị có sử dụng dịch vụ VNPAY tại một siêu thị trên địa bàn với số tiền 638.650đ. Tuy nhiên, giao dịch không thành công và chị phải thanh toán tiền mặt. Liên hệ theo số hotline (1900555577) tổng đài của VNPAY thì yêu cầu khách hàng phải gửi mail. Sau nhiều lần gửi mail “giục” VNPAY hoàn tiền từ ngày 22/01/2020 thì chị nhận được mail phản hồi của V.T.T (nhân viên CSKH của VNPAY) cho biết, lỗi do Ngân hàng nên chưa hoàn lại được tiền.

Khách hàng phản ánh thanh toán VNPAY không thành công (từ 22/1/2020) nhưng đến thời điểm hiện tại chưa nhận khoản tiền hoàn (Ảnh: phương thức Quét mã QR thanh toán VNPAY)

Ngày 10/2/2020, sau thời gian dài chờ đợi vẫn không nhận được thêm bất cứ phản hồi nào của VNPAY, khách hàng tiếp tục phải chủ động liên hệ lại thì vẫn nhận được câu trả lời cũ qua mail (ngày 12/2/2020) là “do lỗi của Ngân hàng”, “khách hàng tự liên hệ với Ngân hàng”.

“Về phía người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ của VNPAY nên tôi chỉ biết liên hệ với VNPAY, giờ VNPAY “đẩy” lỗi, trách nhiệm sang cho Ngân hàng thì tôi biết liên hệ với ai, đến bao giờ mới nhận lại được khoản tiền hoàn. Số tiền không lớn nhưng tôi khá thất vọng trước cách giải quyết sư viêc cũng như cách CSKH của VNPAY” – khách hàng bức xúc cho biết.

Để khách quan thông tin, PV có liên hệ với đại diện của VNPAY để xác minh sự việc, được biết, vì trường hợp của khách hàng là sát Tết nên mọi giao dịch bị chậm hơn so với thông thường, nhân viên chăm sóc khách hàng của VNPAY cũng đều hẹn trả lời khách hàng ngay khi có kết quả từ ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh và tra soát lại, VNPAY khẳng định giao dịch của khách hàng không thành công nên khoản thanh toán bị hủy, do đó khách hàng không bị mất phí và không có cơ sở hoàn tiền. 

Liên hệ với bạn đọc sau khi nhận được mail trả lời từ đại diện VNPAY, chị M.L cho biết, cũng vì phía VNPAY "5 lần 7 lượt" luôn hẹn là chờ ngân hàng tra soát nên khách hàng vẫn nghĩ là chưa được hoàn tiền, đến hôm nay khi nhận được thông tin báo chí cung cấp, kiểm tra lại thì đúng là giao dịch của chị đã bị hủy và số dư không bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, sau một thời gian gây “ấn tượng” về mức giảm giá khủng, gần đây, VNPay đang “âm thầm” bỏ các chương trình chiết khấu và trở thành một hình thức chuyển khoản trung gian giữa khách hàng và doanh nghiệp? Cụ thể, theo khảo sát của PV, phần lớn khách hàng đều khá bất ngờ khi các doanh nghiệp trước đây kết nối với VNPAY để chiết khấu giá sản phẩm thì hiện tại đều cho biết, VNPAY không còn chương trình đó và giờ chỉ là một hình thức chuyển khoản thanh toán trung gian thông thường giữa khách hàng và doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Trước những diễn biến của vụ việc, Luật sư Dương Thị Thanh Bình, thuộc Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm như sau:

"Trong cuộc sống hiện đại, việc thanh toán sản phẩm, dịch vụ không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến và đặc biệt là thanh toán bằng ví điện tử đem lại nhiều tiện ích và ưu đãi. Tuy nhiên, do lỗi kỹ thuật, lỗi hệ thống hoặc cơ chế quản lý của các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán còn yếu kém mà dẫn tới những rủi ro tiềm ẩn và phiền toái cho khách hàng.

Pháp luật hiện nay đã có những quy định khá rõ ràng về việc tiếp nhận, xử lý khiếu nại cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được tiếp nhận và xử lý một cách thỏa đáng. Đặc biệt là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa bên trung gian thanh toán và ngân hàng không những gây ức chế, khó chịu mà còn có nguy cơ gây thiệt hại nặng nề cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ví  điện tử".

Bởi vậy, luật sư xin được đưa ra lời khuyên để hạn chế rủi ro như sau:

1. Lựa chọn đơn vị trung gian thanh toán và ngân hàng có uy tín

2. Đọc kỹ điều khoản cam kết trước khi đăng ký sử dụng dịch vụ

3. Tìm hiểu rõ ràng cơ chế xử lý khiếu nại và bồi thường thiệt hại nếu có phát

sinh rủi ro.

Mỗi chúng ta hãy là những người tiêu dùng thông minh, lựa chọn cho mình

những dịch vụ tiện ích nhưng đảm bảo an toàn cho bản thân.


Theo An Vi/Đô thị mới