Hội nghị do TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam làm chủ tọa. Tham gia hội nghị, về phía VNREA cũng có sự hiện diện của các Phó Chủ tịch: Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes); ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land); ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân.
Về phía các khách mời cơ quan Trung ương, hội nghị có sự tham dự của bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng; bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - đại diện Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ.
Về phía các chuyên gia, nhà khoa học có KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia Kinh tế.
Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của đông đủ các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và Hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong bối cảnh đất nước đang bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ tư duy cho đến những hành động cụ thể đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, như ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân…
Liên quan đến thị trường bất động sản, 3 bộ luật quan trọng của thị trường gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được thông qua và có hiệu lực, hỗ trợ rất lớn cho thị trường trong bối cảnh hiện tại và thời gian tới. Trong khi đó, tình hình thế giới hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là câu chuyện thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước.
Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt hội viên thường niên lần này rất mong nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết từ các đại biểu tham dự về kết quả hoạt động năm 2024 và quý I/2025 cùng nhiệm vụ năm 2025 của Hiệp hội.
“Chúng ta biết rằng, 2025 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2021 - 2025 và chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới 2026 - 2030 - nhiệm kỳ để bước vào Kỷ nguyên mới của dân tộc. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Vì vậy, hy vọng rằng những ý kiến của các đồng chí ngày hôm nay sẽ hữu ích, đóng góp lớn vào sự phát triển của Hiệp hội và thị trường bất động sản trong giai đoạn tới. Trong đó, các vấn đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp là những vấn đề trọng tâm cần sự đóng góp ý kiến của các quý vị”, Chủ tịch VNREA nói.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, thị trường bất động sản là một trong những thị trường trụ cột của nền kinh tế quốc dân, không chỉ đóng vai trò thu hút nguồn lực đầu tư mà còn góp phần hình thành các tài sản cố định có giá trị lâu dài cho nền kinh tế. Qua đó, thị trường này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và góp phần tái định hình diện mạo đô thị hiện đại.
Không chỉ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, thị trường bất động sản còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như tài chính - tiền tệ, xây dựng, vật liệu, logistics... Nhờ đó, sự phát triển của thị trường này luôn gắn liền với chuyển động chung của toàn nền kinh tế, là một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi phát triển bền vững.
Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ các yếu tố trong nước và quốc tế. Áp lực từ lạm phát, lãi suất, dòng vốn tín dụng siết chặt cùng với những biến động kinh tế toàn cầu đã khiến năng lực sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực bất động sản thông qua việc liên tục rà soát, sửa đổi và bổ sung nhiều cơ chế, chính sách pháp luật quan trọng. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khi hàng loạt chỉ đạo điều hành từ Chính phủ và các bộ ngành đã được ban hành, nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc, phục hồi niềm tin và hướng tới mục tiêu phát triển thị trường bất động sản theo hướng an toàn, lành mạnh và bền vững.

Bà Tống Thị Hạnh đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bao gồm các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác và kinh doanh bất động sản. Hiệp hội cũng là nơi tập hợp các lực lượng có liên quan trực tiếp đến thị trường nhà đất, đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp.
"Thời gian qua, Hiệp hội đã phát huy vai trò chủ động trong việc tham gia góp ý, đề xuất xây dựng chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật về nhà ở và bất động sản. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, Hiệp hội còn tích cực tổng hợp, phản ánh các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành, từ đó kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng khả thi, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững", bà Hạnh nhấn mạnh.
Về công tác phát triển nhà ở xã hội (NOXH), lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết thêm, trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng cấp thiết, đặc biệt đối với người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển phân khúc này. Bộ Xây dựng cũng đã trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm về phát triển NOXH, trong đó đề xuất hàng loạt giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà ở bức thiết của nhân dân.
Theo đó, loạt cải cách toàn diện đã được đề xuất và triển khai, từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn nhà thầu đến xác định giá bán, giá thuê. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã được cắt giảm đáng kể; trong đó, các thủ tục về đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu, phòng cháy chữa cháy… được lồng ghép và đơn giản hóa theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng.
Với loạt giải pháp cải cách đang được triển khai, có thể nói tiến độ thực hiện các dự án NOXH sẽ được rút ngắn đáng kể so với quy định hiện hành. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp chủ động tham gia vào phân khúc NOXH.
Tuy nhiên, để phân khúc này thực sự bứt phá, lãnh đạo Bộ Xây dựng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, năng lực tài chính cũng như chất lượng sản phẩm, để không chỉ đáp ứng tiến độ mà còn đảm bảo mục tiêu về chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân có thu nhập trung bình, thấp.
"Hy vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp dành sự quan tâm, coi đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là hướng đi chiến lược bền vững trong dài hạn", bà Hạnh bày tỏ và đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - tổ chức đại diện tiếng nói của doanh nghiệp - tiếp tục đồng hành cùng Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan thông qua việc đề xuất chính sách, phản ánh kịp thời vướng mắc từ thực tiễn và đóng góp các sáng kiến hiệu quả, nhằm góp phần quan trọng để thị trường nhà ở, đặc biệt là NOXH, phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

Tiếp tục cập nhật...
Nguồn: https://reatimes.vn/hiep-hoi-bat-dong-san-viet-nam-to-chuc-hoi-nghi-ban-chap-hanh-ban-thuong-vu-va-gap-mat-hoi-vien-thuong-nien-nam-2025-202250509090204376.htm