Rủi ro thanh khoản khi các khoản vay ngắn hạn gia tăng
Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dự báo năm 2019 ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã VPB) tăng trưởng tổng tài sản 14,3%, tiền gửi là 16,2% và tín dụng 16,3%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 10.160 tỷ đồng, tăng 10,5%.
EPS ở mức 3.308 đồng và BVPS là 17.563 đồng.So với năm 2018, mức dự báo tăng trưởng năm 2019 thấp hơn khi tổng dư nợ năm 2018 hợp nhất tăng tới 17% và lợi nhuận trước thuế tăng 13%.Dự báo những con số kinh doanh năm 2019 trên cơ sở tăng trưởng trong năm 2018 và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty cho vay tiêu dùng đang diễn ra mạnh mẽ.
Năm 2018, huy động tiền gửi của VPBank tăng 9,9% (trung bình ngành là 11,56%), thấp hơn nhiều so với 17,3% tăng trưởng tín dụng khi tiền gửi khách hàng cá nhân và các khoản tiền gửi khác so với tổng huy động vốn giảm từ 84% xuống 79%.
Tiền gửi dân cư sụt giảm, VPBank gia tăng vay vốn các ngân hàng khác khi tăng huy động liên ngân hàng từ 10% lên 16% trong tổng tiền gửi, với tiền gửi có kỳ hạn từ các ngân hàng khác tăng 128%.Ngoài ra, ngân hàng cũng huy động 2.000 tỷ đồng tiền gửi mới từ Kho bạc Nhà nước, thường là các khoản tiền gửi không kỳ hạn với mức chi phí thấp.
VPBank cũng gia tăng tỷ trọng huy động ngắn hạn, giảm tỷ trọng tiền gửi trung - dài hạn và các công cụ tiền gửi khác (các khoản có chi phí cao) còn 33% so với 49% năm 2017.Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn tăng dù giúp chi phí huy động vốn thấp chỉ 6,1% nhưng cũng làm gia tăng rủi ro thanh khoản cho ngân hàng.Mặc dù vậy, ngân hàng lại tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung - dài hạn lên 33,6% so với 30,3% năm 2017, tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động lên 73,7% so với 71,3% năm 2017 khiến cho tỷ lệ NIM năm 2018 không thay đổi so với năm 2017 và cũng chỉ ở mức 9%.
Cho vay tiêu dùng và mua ô tô giảm
Theo SSI, tín dụng của VPBank trong 3 quý đầu năm 2018 tăng chậm và chỉ thực sự tăng mạnh trong quý IV/2018.Trong đó, hoạt động cho vay của FE Credit tăng mạnh trong quý IV/2018 nhưng các khoản cho vay tiêu dùng và mua ô tô giảm hẳn, chỉ chiếm 31% so với mức trung bình là 46,3% của 3 quý đầu năm. Cho vay tín chấp năm 2018 cũng chỉ ở mức 35%, bằng với năm 2017.
Chia về phân khúc, VPBank cho vay vào bốn phân khúc chiến lược chính, gồm: tài chính tiêu dùng thông qua FE Credit, khách hàng cá nhân, CommCredit và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng cao 69% tổng số, giống như năm 2017.
Mạnh tay xoá chục nghìn tỷ đồng nợ xấu
Hoạt động tín dụng luôn đi kèm với rủi ro khi tỷ lệ tổn thất tín dụng tại VPBank là 10,8%, giảm so với mức 11,5% năm 2017 nhưng vẫn không kiềm hãm được sự gia tăng của nợ xấu. Năm 2018 tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank vẫn gia tăng ở mức 3,21%, cao hơn so với mức 2,89% năm 2017, trong đó, ngân hàng mẹ nợ xấu là 2,41% so với 2,33% năm 2017 và tại FE Credit là 5,98% tại so với 5% năm 2017.
Điều này lý giải tại sao chi phí dự phòng của ngân hàng tăng tới 41% lên 11.250 tỷ đồng. Nợ xấu vẫn tăng dù ngân hàng đã mạnh tay xóa tới 10.676 tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 63% so với năm 2017, trong đó, ngân hàng mẹ đã xóa 3.240 tỷ đồng (tăng 99%) và FE Credit đã xóa 7.430 tỷ đồng (tăng gần 51% so với năm 2017).
Tuy nhiên, VPBank cũng thu hồi được 3.200 tỷ đồng nợ xấu đã xoá từ năm 2016 với tỷ lệ thu hồi tương ứng là 51% đối với ngân hàng mẹ và 75% đối với FE Credit, chiếm 10,3% tổng thu nhập từ hoạt động. Trong đó, ngân hàng mẹ đóng góp 982 tỷ đồng, FE Credit đóng góp 2.210 tỷ đồng.