“Quái nhân” và “Người đẹp”
Sinh ra trong một gia đình tổ truyền chơi cây đã mấy mươi năm, ngay từ khi còn nhỏ, tình yêu với cây cỏ đã thấm vào cơ thể, quen thuộc như từng hơi thở của ông. Cũng vì lẽ đó mà cách ông Trọng chăm chút, chơi cây cũng “quái” khác người thường. “Gia đình tôi chính gốc là người làng hoa Nghi Tàm. Với người làng hoa Nghi Tàm mà nói, cây cỏ chính là cuộc sống sinh mệnh của mỗi người” - ông Trọng chia sẻ.
Ngắm nhìn vườn cúc “khủng” cả về số lượng lẫn chất lượng của ông Trọng, người ta cũng hiểu phần nào biệt danh “quái nhân” của ông. Bởi lẽ, hiếm có bàn tay và khối óc “thường thường” nào lại tạo ra được những chậu cúc có linh khí đến vậy.
Ông Nguyễn Gia Trọng - chủ vườn cúc bạc tỷ tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
Hơn 200 chậu cúc với 30 loại giống cúc khác nhau được ông Trọng nhập từ Nhật Bản và cất công chăm sóc tỉ mỉ từ thuở còn tấm bé đến khi chúng trổ mã thành những “thiếu nữ” xinh đẹp. Đối với ông Trọng mà nói, quá trình kỳ công vất vả mà đầy ngọt ngào này hệt như tâm trạng của những ông bố nuôi con gái lớn trong nhà.
Mỗi một bông hoa được ông nâng niu, trân trọng, dựa theo điểm độc đáo mà dụng tâm đặt cho những cái tên hết sức đặc biệt như “Chị em khoe sắc” hay “Tình nhân quấn quýt”.
Vườn cúc giá trị với nhiều loại cúc đẹp - lạ mắt không phải ai cũng mua được.
Trong rừng “người đẹp” của ông Trọng, có những giống cúc “độc” như kim cương cháy, cúc hoàng hậu, cúc vuốt rồng mà chỉ nhắc tên thôi giới sành chơi cũng đủ biết “mùi”. Dĩ nhiên, mỹ nhân kiêu hãnh đó phải được kì công chăm sóc mà nên.
Kể về quá trình chăm sóc cây, ông Trọng tâm đắc: “Cúc Nhật cần đặc biệt lưu ý về nhiệt độ và độ ẩm. Nếu nguồn nhiệt quá cao sẽ khiến cúc héo úa, ẩm nhiều lại dễ sinh nấm bệnh. Nước nhiệt vừa đủ, đôi tay cần mẫn kiên trì lắng đọng mới thực làm nên vẻ đẹp của loài hoa quân tử”.
Một trong những loại cúc trong dàn "mỹ nhân" hơn 30 loài của "quái nhân" Gia Trọng.
Xưa nay xét về thú chơi cây và thưởng cây thì có hàng ngàn sở thích, khiếu thẩm mỹ khác nhau. Thế nhưng, yêu và si mê vẻ đẹp của những bông cúc “tàn” đến độ thành thú vui riêng như ông Trọng thì quả thật hiếm có.
Lý giải về sở thích đặc biệt này, ông Trọng tiếp lời: “Có thể mọi người cho tôi là lập dị, quái nhân, thế nhưng với tôi mỗi một giai đoạn trưởng thành của cây cúc hệt như đời người. Từ khi còn thơ bé, e ấp đến lúc rực rỡ ngạo kiều, cuối cùng trầm lắng tàn phai. Cái tàn ở loài hoa quân tử này chẳng hề thê lương mà ngược lại càng làm tôn lên vẻ cao quý, quật cường. Hoa dẫu tàn vẫn hoàn một đời “mỹ nhân” là thế”.
Hàng nghìn cánh hoa xếp tầng, khoe sắc thành “vũ khúc của mùa xuân”.
Hoa đắt nhưng bán cũng “chọn” người mua
Mỗi chậu cúc của ông Trọng có giá lên tới hàng chục triệu đồng, tính ra, cả vườn cúc ngót nghét “bạc tỉ”. Thế nhưng chủ nhân của vườn cúc trị giá ấy, lại tự đặt ra quy tắc rất lạ đời, ấy là không phải cứ có tiền thì mua được cúc nhà Gia Trọng.
“Hơn 40 năm yêu thích, gắn bó với hoa cúc, càng tìm hiểu tôi lại càng ngưỡng mộ loài thân thảo mà mang cốt cách quân tử này. Chính vì lẽ đó, tôi đã tự đặt ra lời hứa với chính mình, chỉ bán cúc lại cho những người thật sự đồng điệu với nó” - ông Trọng chia sẻ.
Với “quái nhân” Hà Thành thì cúc dẫu tàn vẫn hoàn một đời “mỹ nhân”.
Giá thị trường cao, cách mua bán lại rất lạ đời, thế nhưng hữu xạ tự thiên hương, vườn cúc của nhà Gia Trọng chẳng cần quảng bá mà vẫn nên danh trong giới chơi cây. Quan điểm chơi cúc của “dị nhân” Tứ Liên cũng rất độc đáo. Theo ông Trọng, cúc - đặc biệt là cúc Nhật - là loài luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Do đó, ông thường để chúng tự nhiên khoe sắc, tự mang câu chuyện riêng của mình đến với thế giới này.