Năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán phát lệnh (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, theo báo cáo của Tổng cục Thuế.
Trong 11 tháng qua, ngành thuế đã gia hạn, miễn, giảm gần 170.000 tỷ đồng tiền thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh, nhưng tổng thu ngân sách vẫn đạt trên hơn 1,4 triệu tỷ đồng.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán pháp lệnh (vượt 240.500 tỷ đồng), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.064.657 tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán pháp lệnh (vượt 149.657 tỷ đồng), tăng 5,3% so với thực hiện năm 2021.
17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 115,7%; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108,1%; Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%…
Có 16/19 khu vực khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,7%; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 1,4%; Thuế thu nhập cá nhân tăng 24,6%; Lệ phí trước bạ tăng 21,3%; Thu tiền sử dụng đất tăng 13,2%...
Cùng với đó, có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có nhiều địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, 2 thành phố lớn là TP.HCM và TP.Hà Nội đã cán mốc thu trên 300.000 tỷ đồng; thu từ khối doanh nghiệp lớn do Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cán đích trên 245.000 tỷ đồng.
Cả nước có 8 địa phương thu thuế trên 30.000 tỷ đồng, 4 địa phương trên 20.000 tỷ đồng và 18 địa phương cán mốc trên 10.000 tỷ đồng.
Trong năm nay, toàn ngành Thuế đã tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 174.000 tỷ đồng. Trong đó: giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ khoảng 20.040 tỷ đồng; giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay ước khoảng 26.307 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP khoảng 96.316 tỷ đồng; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ khoảng 9.603 tỷ đồng...
Năm 2022, cơ quan Thuế đã thực hiện được 64.289 cuộc thanh tra, kiểm tra, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; kiểm tra được 665.781 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 59.530 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.882 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.192 tỷ đồng; giảm lỗ là 43.455 tỷ đồng.
Trong năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thu hồi nợ đạt 39.000 tỷ đồng tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong năm 2022, ngành thuế đã triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Đến 1/7, trên cả nước, 100% số doanh nghiệp đang hoạt động có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử với tổng số hóa đơn điện tử đã được phát hành là trên 2,1 tỷ hóa đơn.
Trong năm 2022, Tổng cục Thuế đã công bố và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Đến nay, đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài lớn trên khắp thế giới đã đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế với tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế là 3.444 tỷ đồng. Trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế lớn như: Meta (Facebook), Google, TikTok; Microsoft, eBay…
Đến 31/12 gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp từ Nghị quyết 43 sẽ hết hiệu lực, doanh nghiệp sẽ phải đối phó với nhiều rủi ro với tình hình vĩ mô trên thế giới. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành thuế đang nghiên cứu và sẽ đề xuất tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trong năm 2023.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngành thuế cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hành thu, chống chuyển giá, trốn thuế, cùng với đó, tiếp tục tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu, giúp doanh nghiệp có điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế; đa dạng hoá phương thức tuyên truyền và nâng cao nhận thức pháp luật về thuế cho người nộp thuế và doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quản lý thuế, đặc biệt, cần tiếp tục chăm lo bồi dưỡng nhân lực, thu hút nhân tài.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/vuot-24-du-toan-nganh-thue-da-hoan-thanh-nhiem-vu-thu-ngan-sach-som-1-thang-74419.html