Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
UBND phường Bồ Đề "nhắm mắt làm ngơ" để cho các dự án mặc sức thi công sai phạm?
Hàng loạt dự án nằm trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên đã được chủ đầu tư (CĐT) cố tình xây dựng sai so với giấy phép được cơ quan chức năng cấp. Tuy nhiên, thay vì cương quyết xử phạt, tháo dỡ phần sai phép, thì cơ quan chức năng địa phương lại "im lặng", mặc báo chí phản ánh, kệ người dân kiến nghị.
Theo đó, các dự án đã thay đổi thiết kế mặt đứng, xây dựng vượt mật độ, phá vỡ quy hoạch... gồm: dự án HC Golden City 319 Bồ Đề do Liên danh Công ty CP đầu tư xây lắp và thương mại Hùng Cường và Công ty TNHH một thành viên 319.3 làm chủ đầu tư; dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại ô đất trúng đấu giá tại ô quy hoạch E.2/N07 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Trường Hưng làm chủ đầu tư; dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng có chủ đầu tư là Công ty CP Hóa chất nhựa, nằm tại ô quy hoạch E.2/NO11.
Trước thông tin các dự án nêu trên có sai phạm đã và đang diễn ra, phóng viên nhiều lần liên hệ đến UBND phường Bồ Đề để làm việc. Thế nhưng, những lời hứa hẹn trả lời báo chí của ông Nguyễn Văn Luyện - Chủ tịch UBND phường Bồ Đề đến thời điểm hiện tại chỉ là sự im lặng.
Quay trở lại những sai phạm tại các dự án, người dân cho biết đã có nhiều kiến nghị nhưng chỉ như "đá ném ao bèo". Sự im lặng của vị tân chủ tịch đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực quản lý của chính quyền sở tại. Phải chăng UBND phường Bồ Đề "nhắm mắt làm ngơ" để cho các dự án mặc sức thi công sai phạm?
Cụ thể: dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại ô đất trúng đấu giá tại ô quy hoạch E.2/N07 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Trường Hưng làm chủ đầu tư, với diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 2.778,8m2, tổng số nhà ở là 22 căn hộ thấp tầng với mật độ xây dựng 70 – 80%, chiều cao các công trình không vượt quá 16m tương đương với 4 tầng. Tuy nhiên, dự án này đang thi công đi vào hoàn thiện với chiều cao lên đến 6 tầng, mật độ xây dựng 100%, sai phạm nghiêm trọng với các nội dung như vượt tầng, vượt mật độ, phá vỡ quy hoạch, trong đó nhiều căn hộ đã hoàn thiện xong được chủ đầu tư đưa vào sử dụng.
Tại dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng có chủ đầu tư là Công ty CP Hóa chất nhựa, nằm tại ô quy hoạch E.2/NO11. Theo quy hoạch dự án đã được chia thành 128 lô liền kề với các loại diện tích đa dạng (96, 100, 114, 120, 150, 160m2), mật độ xây dựng 70%, và quy hoạc chiều cao xây dựng tương đương với 5 tầng, phía trên có dàn hoa. Hiện tại các căn biệt thự thuộc dự án được chủ đầu tư thi công biến tấu dàn hoa quây và đổ thành các tầng để đưa vào sử dụng với mật độ xây dựng 100%, sai phạm nghiêm trọng công tác TTXD với các nội dung như vượt tầng, thay đổi kiến trúc, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch.
Tương tư, tại dự án HC Golden City 319 Bồ Đề do Liên danh Công ty CP đầu tư xây lắp và thương mại Hùng Cường và Công ty TNHH một thành viên 319.3 làm chủ đầu tư. Dự án nằm ngay bên cạnh tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, có tổng diện tích : 19750 m2; diện tích xây dựng : 10750 m2; diện tích khuôn viên : 9000 m2; mật độ xây dựng : 50%; 100 lô đất liền kề, biệt thự, 512 căn hộ chung cư. Song không hiểu vì đâu mà ngay từ khi xây dựng đã xuất hiện nhiều biệt thự có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, kiến trúc khác biệt so với các công trình xung quanh. Hàng loạt công trình xây dựng đua tường bao ra ngoài vỉa hè, một số công trình có chiều cao vượt lên so với những công trình khác hiện đang được công nhân gấp rút hoàn thành. Vật liệu xây dựng để tràn xuống đường gây mất an toàn giao thông.
Sai phép không được chấn chỉnh mà xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại” dẫn đến việc coi thường pháp luật
Dư luận địa phương cho rằng UBND phường Bồ Đề, UBND quận Long Biên không nhanh chóng xử lý các sai phạm tại các dự án nêu trên sẽ dẫn đến việc quy hoạch đô thị bị phá vỡ, nghiêm trọng hơn các sai phạm này nếu được hợp thức hoá sẽ tạo một tiền lệ xấu "phạt cho tồn tại".
Nói về việc "phạt cho tồn tại” là hình thức hợp thức hóa các sai phạm của các dự án bất động sản trong xây dựng. Những năm gần đây, thực trạng nhức nhối này vẫn là đề tài nóng tại nghị trường Quốc hội, nhiều ý kiến gay gắt được đưa ra đề nghị phải quyết liệt xử lý. Nhưng, sai phạm không được triệt tiêu, thậm chí còn có phần gia tăng.
Tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với vi phạm về xây dựng đang rất phổ biến. Điều này làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng. Phạt thì nhẹ, lại cho tồn tại nữa; kỷ cương không nghiêm dẫn đến việc xây dựng trái phép. Tôi đề nghị điều chỉnh luật phải coi lại chỗ đó, dứt khoát là phải xử lý cho nghiêm. Không có chuyện phạt cho tồn tại” - Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP HCM) phản ánh tại phiên thảo luận của Quốc hội lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Theo ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, việc hàng loạt dự án “sống lại” do các sai phạm trước đó được hợp thức hóa xuất phát từ nguyên nhân chính là là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
“Một ngôi nhà xây dựng không phép, sai phép, gia chủ “chạy chọt”, tất nhiên là phải có tiền lót tay, thậm chí còn có cái lệ bất thành văn “lót tay” theo diện tích vi phạm. Cơ quan chức năng “nể nang”. Thế là nảy sinh ra cái gọi là “phạt cho tồn tại”. Từ ngôi nhà đơn lẻ, căn bệnh ấy không được xử lý kiên quyết đã lây lan sang cả dự án. Dự án đã được lập quy hoạch, trong đó có khống chế chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng, quy hoạch đất công cộng, đất cây xanh, đất hạ tầng xã hội. Nhưng chủ đầu tư không thực hiện đúng, xây dựng sai quy hoạch. Cơ quan chức năng vào cuộc, sau khi “thương thảo” thì lại dẫn đến “phạt cho tồn tại”.
Khi công trình, dự án được xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại”, nghĩa là không bị dỡ bỏ, khôi phục nguyên trạng hoặc theo đúng giấy phép, đúng quy hoạch, thì trước tiên là chủ đầu tư có lợi. Không những không mất công phá dỡ, không mất chi phí đã đầu tư vào công trình sai phép mà còn có cái lợi lớn hơn là tăng được diện tích sàn xây dựng. Còn cán bộ liên quan đến việc “cho tồn tại” chắc chắn cũng không thể chỉ “nghe nói suông” mà phải có lợi ích nào đó. Vậy là “đôi bên cùng có lợi”, nhưng là lợi cho cá nhân, cho nhóm lợi ích, còn xã hội và Nhà nước thì mất rất nhiều” – ông chia sẻ.
Nguyên nhân thứ hai được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đưa ra là thực trạng trên có xuất phát từ sự coi thường pháp luật. Việc xây dựng không phép, sai phép không được chấn chỉnh mà xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại” dẫn đến việc coi thường pháp luật. Người này làm được, người khác cũng làm theo, dẫn đến tình trạng này diễn ra tràn lan.
Về phía cơ quan chức năng, việc quyết định “phạt cho tồn tại” là không đúng pháp luật, đáng lẽ phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, do xuất phát từ lợi ích nhóm nào đó nên sự việc không được ngăn chặn, dần dần nó trở thành phổ biến và bình thường hóa luôn cả hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan chức năng. Do đó, theo ông Bùi Văn Doanh, nguyên nhân sâu xa của tình trạng “phạt cho tồn tại” là do thực hiện pháp luật không nghiêm.
Căn cứ theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà, quản lý sử dụng nhà và công sở thì từ ngày 1/1/2018 là không cho phép phạt cho tồn tại. Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại.
Tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.
Cũng tại Nghị định này quy định về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm hành vi hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đến 50.000.000 đồng thuộc Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điểm b khoản 3 Điều 67.
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.
Qua thực trạng nhiều dự án tại quận Long Biên nói chung, phường Bồ Đề nói riêng cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa được chú trọng đúng mức; việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch; cơ quan có thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm hoặc hợp thức cho sai phạm, để làm lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến cộng đồng. Từ đó đã dẫn đến quy hoạch bị thêm thắt, bóp méo, dự án bị “biến tướng”, không theo trật tự gây nhiều hậu quả nặng nề cho hạ tầng khiến người dân vô cùng bức xúc.
Để xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lãng phí đất vàng, dự án bỏ hoang thì các cơ quan chức năng phải thực sự nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng "mặc" báo chí phản ánh, "kệ" người dân gửi đơn thư tố cáo. Chính vì vậy, UBND quận Long Biên cần nhanh chóng kiểm tra, chỉ đạo làm rõ những vi phạm tránh để tình trạng “nhờn luật”, gây thất thu ngân sách Nhà nước tại địa phương và tác động xấu tới quy hoạch quận Long Biên nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung.