Hơn bao giờ hết, những giải pháp năng lượng “xanh” giúp bảo vệ môi trường chính là lựa chọn vàng để bảo vệ cuộc sống và sự phát triển bền vững.

Năng lượng mặt trời tiên phong trên thị trường NLTT

Báo cáo tại Quốc hội ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết đến nay tổng công suất điện mặt trời được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đưa vào vận hành hơn 90 dự án với tổng công suất khoảng 5.000 MW, chiếm gần 8,5% công suất lắp đặt của hệ thống điện. Đây thực sự là một trong những bước tiến mạnh mẽ về phát triển NLTT ở nước ta.

Tổng Công ty Điện lực miền Nam khuyến khích khách hàng phía Nam tiếp tục đầu tư, lắp đặt điện mặt trời áp mái, nhất là những địa phương có số giờ nắng cao. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Sự phát triển nhanh vượt bậc của điện mặt trời giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường NLTT sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tính đến nay, cả nước đã có 88 dự án mặt trời đang vận hành, tổng công suất là gần 6.000 MW, chủ yếu tập trung ở miền Nam, Nam Trung Bộ. Chỉ riêng hai tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận, tổng công suất đã chiếm tới hơn 42%. Các nhà máy có công suất trong khoảng từ 50-100 MW đóng vai trò quan trọng nhất.

Theo các chuyên gia nhận định, Việt Nam có tổng số giờ nắng cao lên đến 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam, đây là điều kiện tốt cho phát triển năng lượng mặt trời.

Chương trình Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ đánh giá, tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất, nối lưới tại Việt Nam khoảng 20 GW, trên mái nhà (rooftop) từ 2 đến 5 GW. Đây là một tiềm năng cực lớn hứa hẹn nhiều cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực NLTT.

Triển vọng năng lượng gió

Bên cạnh năng lượng mặt trời, nước ta cũng có tiềm năng rất lớn về năng lượng điện gió. Với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao 65 m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW. Tiềm năng năng lượng gió tập trung nhiều nhất tại vùng Duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và các đảo.

Thực tế, các dự án phát triển điện gió đã được xây dựng ở Đảo Phú Quý, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau… đã và đang hoạt động tốt, cho hiệu quả kinh tế cao: Trang trại gió biển với 99MV điện, hiện đóng góp 76 tỉ đồng/ năm cho ngân sách tỉnh Bạc Liêu. Dự kiến, sẽ tiếp tục được hoàn thành trang trại gió 400 MW, đóng góp 300 tỉ mỗi năm. Tỉnh Cà Mau, với 300 MW cũng sẽ thu được hơn 200 tỉ/năm.

Dự kiến từ nay đến 2030, các dự án điện gió còn được đẩy mạnh triển khai, quy hoạch tại Bến Tre, Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Trị…

Khai phá năng lượng sinh khối

Nhắc đến năng lượng tái tạo, không thể bỏ qua năng lượng sinh khối – cũng là một hướng đi tiềm năng trong sản xuất năng lượng ở Việt Nam.

Các dạng vật liệu có thể chuyển thành năng lượng sinh khối. (Ảnh: Internet)

Là một nước nông nghiệp, nước ta có tiềm năng với các loại sinh khối chính như: Gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác.

Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Năng lượng sinh khối quy đổi tương đương khoảng 43-46 triệu tấn dầu, trong đó 60% đến từ các phế phẩm gỗ và 4% đến từ phế phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp.

Dù vậy, năng lượng sinh khối có những nhược điểm như: Phân bố không tập trung, khó khăn khi vận chuyển và dữ trữ… Muốn phần triển, cần có sự vào cuộc nghiên cứu, đánh giá tác động và phương án cụ thể, bền vững, cần sự chung tay của nhà nước – doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu chuyên môn.

Làm thế nào để phát triển NLTT hiệu quả?

Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS. Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam có triển vọng phát triển NLTT là rất lớn. Trong đó, đã có những mô hình được triển khai rất tốt như năng lượng điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận…

TS. Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, lĩnh vực này đã được nhà nước quan tâm và đặt nền móng phát triển, được các doanh nghiệp, cá nhân chung tay thực hiện. Về mặt lý thuyết, có rất nhiều cơ hội phát triển năng lượng tái tạo như thủy triều – điện – gió… Để phát triển tốt lĩnh vực này, cần sự đầu tư nghiên cứu để triển khai được trên diện rộng, phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương. Tuy nhiên để có thể phát triển được NLTT một cách bền vững, hiệu quả, rất cần chính sách hợp lý” – TS. Phúc khẳng định.

TS. Phúc phân tích những mặt hạn chế của NLTT, đó chính là chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi chính sách thuế - Tài chính hợp lý như trong sản xuất điện gió. Hay việc phát triển năng lượng áp mái – năng lượng mặt trời, hiện người dân đã có thể tự sản xuất điện năng với sáng kiến sự dụng chính mái nhà của mình để tái tạo năng lượng mặt trời phục vụ đời sống. Tuy nhiên, việc này lại đi cùng nguy cơ ô nhiễm trong xử lý các tấm pin, cần sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ của các cơ quan chuyên môn nhằm đưa ra giải pháp hợp lý.

“Hiện nay, các nhà đầu tư, các đơn vị tư nhân đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào NLTT ở nước ta, là một tín hiệu tốt cho thấy triển vọng và cơ hội của lĩnh vực này. Nhưng để NLTT thực sự đóng một vai trò là nguồn năng lượng của tương lai, thì những chính sách đúng đắn của nhà nước góp phần xóa bỏ các rào cản về thể chế, pháp lý, kỹ thuật, kinh tế - tài chính… là vô cùng quan trọng” – TS Phúc khẳng định.

Theo Nghị quyết 55 – định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Bộ Chính trị đã ký ban hành tháng 2/2020, Việt Nam sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, tham gia phát triển năng lượng; loại bỏ tất cả các khoản trợ cấp, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh và thiếu minh bạch trong lĩnh vực năng lượng.

Đối với các nguồn NLTT có công suất lớn ví dụ như các trang trại điện gió trên bờ và ngoài khơi hay điện mặt trời thì sau khi các biểu giá mua điện hỗ trợ hiện tại hết hiệu lực, các dự án mới dự kiến sẽ chuyển sang hình thức đấu giá để chọn ra các nhà đầu tư hiệu quả nhất.

Các chính sách năng lượng và khí hậu lớn gần đây của Việt Nam thể hiện sự quyết tâm của đất nước trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp xanh. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa sẽ đòi hỏi phải xây dựng các biện pháp để thúc đẩy việc tích hợp hệ thống điện tái tạo, bao gồm cải thiện các ưu đãi, điều tiết thị trường, và mở rộng cơ sở hạ tầng.

Theo Kinh Tế Môi Trường