Theo Ủy ban Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc (UNEP), nền kinh tế xanh là nền kinh tế hướng đến cải thiện đời sống con người và tính công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những hiểm họa môi trường và tình trạng khan hiếm tài nguyên.

Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội.

Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.

Những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Để chuyển đổi thành công sang nền “kinh tế xanh” cần đặc biệt phải chú ý tới khung chính sách hỗ trợ phù hợp. Khung chính sách này bao gồm các biện pháp tài chính và cải cách chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế thông qua thương mại, viện trợ, phát triển thị trường, hỗ trợ xây dựng năng lực và những bước cần thiết để vận động tài chính cho quá trình chuyển đổi.

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (WB) với chủ đề “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao” đã nhận định rằng Việt Nam đang trong tình trạng khẩn cấp khi xét đến thiệt hại đối với môi trường.

Đánh giá của WB không có gì đáng ngạc nhiên ở một quốc gia đang phát triển, nơi các điểm nóng về phát triển kinh tế đang trở thành một trong những khu vực ô nhiễm nhất, nơi mà mọi người có thể cảm nhận thấy những tác động tiêu cực từ đó.

Kể từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm. Sau một thời gian tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển kinh tế xanh, Việt Nam nghiên cứu và triển khai dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế) quá trình và kết quả nghiên cứu được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt về mặt lý thuyết. Tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học…

Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững.

Việt Nam đang hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững. (Ảnh: minh họa: Internet)

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động hướng tới phát triển kinh tế xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Năm 2017, Công ty Heineken Việt Nam thông báo rằng 99,01% sản phẩm phụ và rác thải của công ty trong quá trình sản xuất sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế. Năm 2019, Unilever Global Group cũng đã cam kết đến năm 2025, doanh nghiệp này sẽ cắt giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh, đồng thời tăng sử dụng nhựa tái chế trong quá trình đóng gói...

Ngoài Heineken, Unilever Global Group, còn có nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng đã cam kết và đang từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn...

Tại sự kiện công bố Chỉ số Khí hậu doanh nghiệp (CBI) diễn ra mới đây, đánh giá về xu thế phát triển kinh tế xanh, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: “Người tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi hành vi mua sắm theo hướng sử dụng các sản phẩm thông minh hơn, thân thiện hơn với môi trường, phát triển bền vững... Những cam kết của cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững, đảm bảo cho chúng ta có được cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn cả ở thì hiện tại cũng như tương lai của các thế hệ mai sau”.

Theo Kinh Tế Môi Trường