Chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ quý II/2023 chiều 18/7, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng giá nguyên vật liệu tăng, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp,…
Tuy vậy, các doanh nghiệp đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh; nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã chủ động được đơn hàng đảm bảo cho việc sản xuất trong những tháng đầu năm 2023. Đến nay các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn TP.HCM ước đạt trên 102.300 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
“Kinh tế thế giới chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm, đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng và đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần, kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2022 và tình trạng có thể kéo dài đến hết năm 2023”, đại diện Sở Công thương TP.HCM nhận định.
Trước thông tin từ 1/7 tăng lương cơ sở, nhiều người tiêu dùng lo ngại giá cả lương thực thực phẩm, hàng hóa tại các chợ tăng theo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, TP.HCM đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá khuyến mãi sâu nhằm hạn chế tình trạng tăng giá.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, nếu xét theo quy luật kinh tế tăng lương không thể tăng giá các mặt hàng. Tuy nhiên, một số tiểu thương vẫn tăng giá hàng hóa, bởi giá cả các mặt hàng ở chợ phụ thuộc lượng hàng thương nhân chuẩn bị trong ngày và phụ thuộc khách hàng mua sắm vào từng thời điểm.
Cụ thể, nếu trong ngày hàng hóa còn tồn thì cuối ngày, các thương nhân sẽ bán giảm giá khi đó hàng hóa sẽ giảm giá, tuy nhiên nếu lượng khách tăng cao và đây là khách hàng mới thì thương nhân có thể sẽ đẩy giá lên để kiếm lời.
"Đây có thể coi là hiện tượng “té nước theo mưa”, vì vậy để kìm giá cả hàng hóa không tăng theo giá lương, ngay từ những tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ðiều này góp phần ngăn chặn "làn sóng" tăng giá khi lương tăng và làm vơi bớt phần nào nỗi lo cho người dân", ông Phương phân tích.
Hiện TP.HCM triển khai chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 được tổ chức trong ba tháng, kéo dài đến hết ngày 15/9 với sự tham gia của 3.000 doanh nghiệp, hơn 7.000 hoạt động khuyến mãi. Các nhà bán lẻ triển khai hàng loạt chương trình giảm giá dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm; nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.
Ngoài ra, từ ngày 1/7 đến 31/12, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, từ mức 10% xuống còn 8% của Chính phủ chính thức được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ðiều chỉnh này góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm giá bán và giảm chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hàng ngày...
Nguồn: https://nongnghiep.vn/xu-huong-tieu-dung-giam-co-the-keo-dai-den-het-nam-2023-d356740.html