Cho người bạn mượn gần 1 tỷ đồng nhưng nhiều tháng nay anh Nguyễn Văn Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội không thể đòi được. Đến nhà bạn, lần nào anh cũng nhận được lời khất nợ vì làm ăn khó khăn, không đủ sống.

Thậm chí, có lần anh Thắng dọa sẽ làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng hoặc khởi kiện bạn ra tòa. Đáp lại, người bạn này giọng tỉnh bơ, kêu không sợ vì mình không trốn tránh, sẵn sàng viết giấy công nhận khoản vay nên không thể xử lý hình sự.

Trao đổi với phóng viên, anh Thắng không khỏi thất vọng vì mất đi một tình bạn đẹp, chỉ vì lúc bạn khó khăn sẵn sàng cho vay mà không tính lãi, không kèm điều kiện gì cả. Giờ đây, mặc dù bạn và gia đình có điều kiện trả nợ nhưng vẫn chây ỳ. Thậm chí, mùa hè vừa qua, người bạn này còn khoe trên facebook cảnh mình cùng người thân du lịch tại nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp trong nước.

xu ly hinh su voi hanh vi co tinh khong tra no khi co dieu kien
Hành vi cố tình không trả nợ khi có điều kiện sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh Tư Liệu.

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) không cho phép những hành vi chây ỳ như trên ngoài vòng pháp luật.

Cụ thể, luật đã bổ sung tình tiết mới đáng chú ý vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là “đến hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”; đáp ứng yêu cầu xử lý các trường hợp có điều kiện trả nợ nhưng vẫn cố tình chây ỳ không trả để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Tại Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bố sung năm 2017) đã quy định thêm hành vi mới của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đó là tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.

Chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quản lý của người khác vào phạm vi sở hữu của mình. “Cố tình không trả” là hành vi vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, làm cho chủ tài sản mất khả năng đòi lại tài sản của mình. Việc BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017) bổ sung hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” là hợp lý để xử lý những trường hợp có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội.

Về hành vi “bỏ trốn”: BLHS năm 1999 quy định hành vi “bỏ trốn” là một trong các tình tiết định tội của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 1 Điều 140). BLHS năm 2015 bỏ hành vi “bỏ trốn” trên. Tuy nhiên, BLHS 2015 (sửa đổi, bố sung năm 2017) đã kế thừa quy định của BLHS năm 1999, bổ sung lại hành vi “bỏ trốn” là một trong các tình tiết định tội của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 1 Điều 175).

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 

Theo Gia Bảo/phapluatxahoi.vn