Tại cuộc họp đầu tháng 5, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia cho rằng phải có đầu mối chỉ đạo thống nhất tăng cường ứng dụng các công cụ, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chống dịch, nắm được thông tin của tất cả những trường hợp bắt đầu nhập cảnh vào Việt Nam; thực hiện cách ly tập trung đến khi kết thúc thời hạn theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú.
Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 giao Bộ chủ trì, chỉ đạo một số đơn vị công nghệ thông tin trong nước nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm sử dụng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giải pháp giám sát điện tử đối với người Việt Nam; tổ chức giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để phân loại nguy cơ dịch bệnh đối với từng địa phương..
Ngay khi thông tin được phát đi, các tập đoàn Công nghệ tại Việt Nam đã bước đầu bắt tay vào nghiên cứu, phát triển các giải pháp, thiết bị công nghệ nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch, đặc biệt hỗ trợ cho các y bác sỹ đang ở tuyến đầu chống dịch.
Trong tháng 6 này, Vòng đeo tay điện tử G-TRACK với các tính năng thông minh nhằm cảnh báo, truy vết người cách ly COVID-19 hiệu quả sẽ ra mắt 2 phiên bản tuỳ chọn với nhu cầu của người dùng. Thiết bị sẽ được thử nghiệm với người nhập cảnh, người cách ly tập trung, người cách ly tại nhà, cho phép theo dõi vị trí của người cần cách ly COVID-19, quản lý từ xa các F1, F2 cách ly tại nhà sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho không ít cán bộ phòng chống dịch.
Với phiên bản G-TRACK GPS, thiết bị có thể Cảnh báo khi người đeo ra khỏi nơi cách ly (tại nhà hoặc cơ sở tập trung); Đo thân nhiệt của người đeo và cảnh báo khi thân nhiệt vượt ngưỡng cho phép; Cảnh báo khi người đeo cố tình tháo vòng ra khỏi tay; Hỗ trợ thực hiện truy vết ở nơi mà người đeo đã từng đi qua; Có cảm biến phát hiện thay đổi độ cao (có thể phát hiện việc di chuyển giữa các tầng chung cư). Sản phẩm được định vị bằng GPS, LBS và có cảm biến bước đi, chạy, tính số calo hoạt động. Hệ thống quản lý tập trung giúp kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống vi phạm quy định cách ly.
Chi phí sản xuất của G-TRACK GPS sẽ cao hơn so với G-TRACK BLUETOOTH vì độ phức tạp và tính năng công nghệ vượt trội, hoạt động độc lập mà không cần phụ thuộc vào việc kết nối với bất kì ứng dụng theo dõi nào trên điện thoại di động, dùng cho trường hợp cách ly tuyệt đối để đảm bảo an toàn.
Về sản phẩm G-TRACK BLUETOOTH, chi phí sản xuất thấp hơn, giống với thiết bị mà một số quốc gia như Hong Kong, Hàn Quốc đang triển khai. Để cập nhật thông tin về tình trạng của người đeo và tình hình dịch bệnh, phiên bản này cần kết nối bluetooth với smartphone và cài đặt phần mềm G-Zone - ứng dụng truy vết tiếp xúc và cảnh báo người có dương tính với COVID-19. Ngoài ra, thiết bị này có thể ghi nhận và cảnh báo tiếp xúc dưới 2m với người đeo khác hay người đã cài đặt sử dụng G-Zone hoặc Bluezone trên smartphone.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông, Giám đốc dự án G-TRACK: “Tuy thời gian nghiên cứu và sản xuất sản phẩm là rất cấp bách, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đạt tới một sản phẩm hoàn thiện, đầy đủ các tính năng nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu phòng chống dịch. Ví dụ như: thời lượng pin hoạt động được trong vòng 30 ngày đảm bảo chuẩn thời gian cách ly theo yêu cầu, có khả năng chống nước theo tiêu chuẩn IPx8, độ bền cao, chịu được va đập mạnh.”
Đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, thiết bị này giúp các cán bộ quản lý người đang cách ly dễ dàng hơn. Vòng đeo tay thông minh này giúp hạn chế tối đa tiếp xúc gần giữa F1, F2 với nhân viên y tế khi đo thân nhiệt và giám sát định vị người đeo. Những trường hợp cố tình tháo vòng hoặc di chuyển bên ngoài phạm vi cách ly, nhân viên y tế sẽ được thông báo ngay lập tức và có những động thái kịp thời, nhanh chóng để kiểm soát và truy vết những người liên quan.
Thiết bị này đã được triển khai đánh giá thử nghiệm và báo cáo Lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông đề xuất Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc gia để kịp thời chuẩn bị cho quá trình sản xuất hàng loạt và áp dụng thử nghiệm đối với người trong diện cách ly từ tháng 6 và tiến tới triển khai rộng rãi từ quý III/2021.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xuat-hien-vong-tay-thong-minh-make-in-viet-nam-kiem-soat-f1-f2-242296.html