Ảnh: TL.

Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, giá lúa ở ĐBSCL liên tục tăng cao, do lúa hè thu đã thu hoạch sắp hết, trong khi dự báo xuất khẩu gạo có khả năng tăng trong những tháng cuối năm 2020, tuy nhiên lượng lúa gạo nội địa còn rất nhiều ở các cửa hàng, kho dự trữ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), giá gạo tăng đã đẩy giá lúa tăng và duy trì ổn định ở mức cao một phần do tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8.

Trên thị trường giao dịch quốc tế, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chào bán đang giữ ổn định ở mức 483-487USD/tấn, bởi nguồn cung loại gạo này từ các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Banglades, Myanmar… bị giảm sút do lũ lụt và dịch bệnh COVID-19.

Hiện tại, giá gạo trong nước cũng ở mức cao, tăng 200-300 đồng so với tuần trước. Trong đó, giá gạo NL IR 504 ở mức 9.150 đồng/kg; gạo OM 5451 ở mức 10.450 đồng/kg; gạo TP IR 504 ở mức 10.700 đồng/kg;  gạo tấm IR 504 có giá 8.800 đồng/kg.

Giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL cũng ổn định ở mức cao: Lúa tươi Jasmine: 6.300 đồng/kg; lúa IR 504: Bán ra mức 6.000 đồng/kg; lúa OM 9577, OM 9582 giá 6.100 đồng/kg; lúa OM 6976 giá 6.000 đồng/kg; đài thơm 8 ban ra ở mức 6.300 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 6.100 đồng/kg.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, với giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay, Việt Nam có thể xuất khẩu được từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Đây là số lượng rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đanh diễn  biến phức tạp trên toàn cầu.

Theo Minh Châu/Công luận