Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu với sự góp mặt Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước thảo luận một số vấn đề còn tồn đọng và đưa ra giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành xuất khẩu.

Hoạt động xuất khẩu năm qua

Tại hội nghị, kết quả xuất nhập khẩu năm 2017 được đánh giá và xem xét để chỉ rõ những mặt đạt được, chưa đạt được của công tác xuất nhập khẩu và nhận định bối cảnh xuất nhập khẩu; nhận diện những cơ hội, thách thức, khó khăn trong ngành này năm 2018.

Hội nghị toàn quốc về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu diễn ra sáng nay (23/4) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị toàn quốc về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu diễn ra sáng nay (23/4) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Qua đó xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển xuất khẩu của từng bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thời gian tới.

Phát biểu trong hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thị trường xuất khẩu năm 2017 đạt được kết quả tích cực. Đã có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất 3 nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất 3 nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Đề xuất 3 nhóm giải pháp

Nhằm khắc phục những hạn chế và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018, gồm:

Nhóm giải pháp tác động vào phía cung: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kiểm soát chặt nguồn cung, sản xuất theo tín hiệu thị trường; tập trung chất lượng nông sản, thủy sản để đáp ứng được quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm; tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu: Mở rộng và phát triển thị trường, duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và nâng cao công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.

Nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu: Cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.

Bình An/Reatimes