Lần đầu xuất khẩu thép sang Thổ Nhĩ Kỳ
Sau trận động đất lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nhập khẩu hàng hóa để tái thiết đất nước, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang thị trường này tăng đột biến sau 2 tháng đầu năm. Đây là thị trường lần đầu Việt Nam xuất khẩu thép sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, tính riêng tháng 2, Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 40.729 tấn sắt thép, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận 165 tấn. Điều này đồng nghĩa lượng xuất khẩu sắt thép sang thị trường này đã tăng gấp 246 lần. Tính chung 2 tháng đầu năm đạt 104.000 tấn, tăng gấp 512 lần so với cùng kỳ. Chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành.
Tại một cuộc họp về ứng phó rủi ro ở Istanbul, Tổng thống Erdogan đã công bố kế hoạch tái thiết đất nước sau trận động đất. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, công tác tái thiết sau trận động đất sẽ tập trung vào việc xây dựng lại các tòa nhà thấp tầng hơn và xây mới trên các nền đất chắc hơn. Ông Erdogan cho biết, khi xây dựng các khu định cư mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển hướng các thành phố từ vùng đồng bằng thấp đến vùng núi có bề mặt địa hình vững chắc hơn.
Hậu quả của trận động đất đã ảnh hưởng trực tiếp tới công suất sản xuất thép của nước này khi các nhà máy thép lớn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đóng cửa trong nhiều tuần. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có buổi làm việc với các nhà sản xuất thép về cung cấp sản phẩm cho các dự án tái thiết ở các vùng bị thiệt hại bởi động đất. Kết quả của buổi họp vẫn chưa có thông tin chính thức.
Dự kiến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chi khoảng 120 tỷ Euro trong 5 năm để tái thiết đất nước, trong đó các mặt hàng quốc gia này đang rất cần là vật liệu xây dựng, bê tông, gỗ dán, gỗ ép... Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần khoảng 5 triệu tấn thép, bao gồm 3 triệu tấn thép cây, 750.000 tấn thép cuộn và 1,25 triệu tấn thép tấm cho xây dựng 350.000 ngôi nhà ở vùng Đông Nam nước này. Đây là cơ hội của các doanh nghiệp thép Việt.
Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, thảm họa động đất khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại nước này gần như bị đình trệ hoàn toàn, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến tình hình xuất nhập khẩu chung giữa hai nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã và đang giao dịch với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực bị ảnh hưởng động đất nên có sự trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ nhằm có biện pháp thương thảo, ứng phó trong trường hợp bị ảnh hưởng tới việc giao thương hàng hóa và thanh toán.
Xuất, nhập khẩu thép tăng
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 2, lượng xuất khẩu nhóm hàng sắt thép đạt 796.000 tấn với giá trị khoảng 602 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và 31,8% về giá trị so với tháng trước đó.
Như vậy sau 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 1,43 triệu tấn sắt thép các loại với giá trị đạt 1,03 tỷ USD. Dù tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 25,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong giai đoạn này, lượng xuất khẩu sắt thép các loại tập trung chủ yếu tại các thị trường như ASEAN (539.000 tấn, giảm 4%), Mỹ (91.000 tấn, giảm 47%), Hàn Quốc (48.900 tấn, giảm 46%).
Tuy nhiên, một số thị trường bất ngờ ghi nhận lượng xuất khẩu gia tăng đột biến, điển hình như EU (315.000 tấn, tăng 40%), Ấn Độ (133.000 tấn, gấp 30 lần so con số 4.500 tấn trong năm 2022).
Như vậy, cả xuất khẩu và nhập khẩu sắt thép trong tháng vừa qua đều tăng tương đối mạnh so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm 2023, cả kim ngạch và lượng xuất nhập khẩu đều cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào đang ở vùng giá thấp.
Giá thép trên thị trường trong nước vẫn tăng
Theo số liệu từ Steel Online, một số doanh nghiệp sản xuất thép như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức đã nâng 150.000 - 160.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300, lên khoảng 15,9 - 16 triệu đồng/tấn từ ngày 21/3.
Mặt khác một số doanh nghiệp như Thép miền Nam, Pomina, Thép Thái Nguyên, Vina Kyoei… vẫn chưa có động thái điều chỉnh giá.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép vằn thanh D10 CB300 đã có 5 đợt điều chỉnh tăng tùy thương hiệu. Sau các đợt tăng giá liên tiếp, mặt bằng giá thép đang trở lại giai đoạn tháng 7 - 8/2022. Mức này cao hơn rất nhiều so với trung bình 12,5 triệu đồng/tấn trước đợt tăng mạnh giai đoạn tháng 3 - 5/2022.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp ngành thép tăng giá do nguyên liệu đầu vào khan hiếm khi nhiều nhà máy đã dừng sản xuất phôi ở một số lò từ năm trước. Ngoài ra, các nhà máy phải trả đơn hàng đã ký từ trong năm, làm giá thép tăng cục bộ do nguồn cung ít.
Nguyên liệu đầu vào tăng nhiều cũng khiến các nhà máy trong nước nâng giá bán để giảm lỗ. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, giá than cốc có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 11/2022. Thép phế liệu vào đầu tháng 3 tăng 13 USD một tấn so với tháng trước. Thép cán nóng HRC cũng tăng 24 USD.
Theo Steel Online, các sản phẩm của Hòa Phát như thép cuộn CB240 từ 23/2 giữ ở mức 15.960 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 150 đồng lên 15.990 đồng/kg. Khu vực miền Trung thép cuộn CB240 bình ổn ở mức 15.880 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 160 đồng lên 15.890 đồng/kg. Khu vực miền Nam thép cuộn CB240 ở mức 15.980 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 150 đồng lên 16.030 đồng/kg.
Thép Việt Ý tăng 150 đồng cho dòng thép D10 CB300 lên 15.960 đồng/kg, thép cuộn CB240 ở mức 15.910 đồng/kg.
Thép Việt Sing tăng giá thép thanh vằn D10 CB300 thêm 160 đồng lên 15.990 đồng/kg, thép cuộn CB240 giữ giá 15.830 đồng/kg.
Thép thanh vằn D10 CB300 của Thép Việt Đức tăng 150 đồng lên 15.960 đồng/kg, thép cuộn CB240 hiện có giá 15.710 đồng/kg. Khu vực miền Trung thép thanh vằn D10 CB300 tăng 150 đồng lên16.210 đồng/kg, dòng thép cuộn CB240 đi ngang ở mức 16.060 đồng/kg.
Thép thanh vằn D10 CB300 của Thép VAS tăng 150 đồng lên mức 15.830 đồng/kg, dòng thép cuộn CB240 giữ mức 15.680 đồng/kg. Khu vực phía Nam, dòng thép cuộn CB240 tăng 150 đồng lên mức 15.730 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 15.830 đồng/kg.
Thép Việt Nhật tăng giá thép thanh vằn D10 CB300 lên 16.040 đồng/kg, dòng thép cuộn CB240 vẫn ở mức 15.880 đồng/kg.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xuat-khau-sat-thep-sang-tho-nhi-ky-tang-bat-ngo-hon-500-lan-329116.html