Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 161,8 tỉ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 54 nhóm mặt hàng nhập khẩu thì có tới 32 nhóm mặt hàng có trị giá giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Giảm mạnh nhất phải kể đến ôtô nguyên chiếc với 43% cả về lượng và trị giá nhập khẩu. Tính đến hết 8 tháng qua, số ôtô ngoại nhập về là 53.812 chiếc với 1,22 tỉ USD. Tiếp theo là trị giá nhập khẩu của nhóm xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, các sản phẩm dầu mỏ cũng giảm mạnh. Đặc biệt là xăng dầu các loại, so với 8 tháng đầu năm ngoái, số ngoại tệ chi ra để nhập khẩu nhóm mặt hàng này giảm tới hơn 40%, còn 2,36 tỉ USD.
Ở nhóm mặt hàng phục vụ ngành dệt may và da giày cũng giảm đáng kể như trị giá nhập khẩu bông các loại giảm 15,7%, xơ sợi dệt cũng giảm tới 21,8%; vải các loại và nguyên phụ liệu dệt may, da, giày cùng giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái lại, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái khi trị giá nhập khẩu đạt 38,7 tỉ USD. Hàng điện gia dụng và linh kiện cũng tăng nhẹ 4,3% với số ngoại tệ chi ra nhập nhóm hàng này là 1,4 tỉ USD.
"Ngược dòng" với kim ngạch nhập khẩu, bất chấp Covid-19, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước 8 tháng đầu năm nay tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt hơn 175,3 tỉ USD.
Điểm sáng xuất khẩu 8 tháng qua là các nhóm sản phẩm mây tre, cói và thảm tăng hơn 19% đạt 365 triệu USD. Nhóm gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng gần 10% khi thu về 7,3 tỉ USD, trong đó trị giá kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,46 tỉ USD, tăng tới 14,3%. Các sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ cũng tăng ngoạn mục tới 54,4%, đạt xấp xỉ 1,5 tỉ USD.
Trong đó, nhóm đồ chơi, dụng cụ thể thao mang về 1,7 tỉ USD khi tăng tới 63,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có trị giá xuất khẩu 8 tháng qua đạt hơn 27,7 tỉ USD, tăng hơn 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nên mừng hay lo?
Bình luận về con số xuất siêu cao kỷ lục trong 8 tháng đầu năm, theo một số chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, xuất siêu đáng lo hơn đáng mừng, xuất siêu càng nhiều nỗi lo càng lớn.
Liên quan vấn đề này, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây luôn xuất siêu.
Theo ông Phương, xuất siêu có điều đáng mừng là giúp tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, xuất siêu 8 tháng năm 2020 có điểm đáng phải lo. Đó là xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng mà do nhập khẩu giảm nhiều.
Nhập khẩu của Việt Nam tới 90% là tư liệu sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Giảm nhập khẩu nghĩa là giảm nhập tư liệu sản xuất, đó là điểm đáng lo. Xuất siêu thì mừng nhưng đáng lo nhiều hơn bởi giảm nhập tư liệu sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai, TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Ở góc nhìn của một nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - TS Phạm Tất Thắng cho biết, với nhiều người, xuất siêu là “tin vui” vì Việt Nam vốn là nước nhập siêu giờ trở thành xuất siêu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều nước tăng trưởng âm, nhất là xuất khẩu. Việt Nam vẫn là nước có cán cân thương mại tăng trưởng dương, xuất siêu khổng lồ hơn 11 tỷ USD, sẽ giúp giải quyết vấn đề cân đối ngoại tệ.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ chuyên môn Việt Nam nên tạm thời kiềm chế cảm xúc bởi lẽ xuất khẩu một phần là do chúng ta không nhập được nguyên liệu sản xuất, nhiều ngành như dệt may, da giày, điện tử hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, ông Thắng nói.
Theo vị này, không nhập được hàng có nhiều lý do nhưng không thể không đề cập tới câu chuyện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang rơi vào tình cảnh không có đơn hàng trong thời gian tới. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp đang hết sức khó khăn, máy móc không chạy hết công suất, nợ nần, thậm chí là phá sản. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải nhìn thẳng “sự thật”, từ đó mới có giải pháp giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, xúc tiến tìm thị trường để doanh nghiệp có đơn hàng trong những tháng còn lại của năm 2020.
Việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, bên cạnh kỳ vọng xuất khẩu, Việt Nam còn mong muốn có thể nhập khẩu thêm nhiều loại công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại từ các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu giảm mạnh như vậy, phải chăng chúng ta vẫn chưa khai thác được cơ hội? Đây là điều đáng lo- ông Thắng nhấn mạnh.