Lala rút khỏi thị trường

Cách đây không lâu, Lala vẫn là ứng dụng được nhiều bạn trẻ Việt yêu thích vì giao đồ ăn nhanh, gọi dễ và có rất nhiều chương trình khuyến mãi. Đến nay, khi nền tảng này thông báo ngừng hoạt động khiến nhiều người tiếc nuối.

Chị Thương Phạm – Một người đã từng hết lời khen ngợi ứng dụng giao hàng này và kêu gọi mọi người ủng hộ Lala đã rất ngạc nhiên khi không thể truy cập ứng dụng cách đây vài ngày.

Khi được biết, ứng dụng ngừng hẳn hoạt động, chị Thương rất tiếc nuối và cho biết không thấy hãng này thông báo gì chỉ khi vào app đặt hàng không giao nhận và đọc báo mới biết thông tin.

Trên hai kho ứng dụng cho điện thoại thông minh là Google Play và App Store, Website Lala.vn cũng không còn cho phép khách hàng đặt giao món, thay vào đó là phần tương tác nhắm tới các đơn vị bán hàng hơn là người mua như trước.

Hiện, Lala vẫn chưa có câu trả lời chính thức về việc đóng app mà chỉ cho rằng, sẽ tập trung hướng tới đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Web của Lala cũng đổi slogan thành “giải pháp kinh doanh online chuyên nghiệp cho các nhà hàng” thay vì nền tảng đặt món như trước.

Thị trường giao đồ ăn đang rất sôi động          

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Lala lại rút lui trong khi miếng bánh giao đồ ăn đang rất màu mỡ và lĩnh vực này cũng đang được rất nhiều đơn vị quan tâm? Nói Lala không đủ tiềm lực tài xế thì không đúng bởi đứng sau đó là Lalamove (hãng cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh). Có thể, Lala không thể chạy đua "lấy lỗ làm lãi" vì hãng này có thời điểm khuyến mãi đến 80% cho các đơn hàng. 

Thị trường giao đồ ăn Việt bắt đầu vào giữa năm 2016 với những trang gọi đồ như Vietnammm.com, Chonmon.vn, Eat.vn. Sau đó, khi có thêm Foody, DeliveryNow bước vào thì lĩnh vực này mới thực sự quen thuộc với người dùng, nhất là phân khúc những người trẻ tuổi.

Euromonitor nhận định quy mô thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD năm 2018 và đến năm 2020 sẽ tăng lên 38 triệu USD. Những con số khổng lồ này là minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc có được bao nhiêu % trong miếng bánh này không hề đơn giản.

Now hiện đang là ứng dụng đang rất nổi

Now hiện đang là ứng dụng đang rất nổi

Now hiện đang là tên tuổi nổi bật nhất với người dùng Việt và khiến những tên tuổi khác bị lu mờ trước đó. Tuy vậy bên cạnh những lời khen ngợi từ khách hàng thì vẫn rất nhiều người cho rằng, app của Now thực sự khó dùng và quá phức tạp.

Có thể nói rằng, điểm yếu lớn nhất của Now là công nghệ nghèo nàn và không được cập nhật thường xuyên. Hơn nữa, quy trình của Now vẫn dựa vào bàn tay con người chứ không tự động hoàn toàn. 

Hơn nữa, nếu người dùng có muốn nhận đơn sớm cũng phải tự chọn địa điểm nhà hàng gần nhất, vì vậy có khi khách hàng phải đợi cả tiếng đồng hồ mới nhận được món ăn yêu thích. Vào giờ cao điểm, việc sót đơn hàng hay Now hủy đơn là chuyện bình thường.

Grabfood là ứng dụng mới (từ tháng 5 năm 2018) nhưng đã để lại ấn tượng với người dùng và khiến các đối thủ khác phải kiêng dè. Số liệu mới nhất cho thấy, GrabFood đã mở rộng từ 2 quốc gia lên 6 quốc gia chỉ trong quý II/2018, với tổng doanh thu tăng gấp 9 lần trong 12 tháng qua.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường GCOMM, tốc độ giao hàng nhanh chính là yếu tố quan trọng nhất để người dùng quyết định sử dụng dịch vụ gọi món trực tuyến. Nếu như vậy thì Grab đang dần “bá chủ” trong lĩnh vực này

Grab đang dùng chính nhân lực của mình, hay nói cách khác là “một công đôi việc”, anh có thể chạy xe ôm và thời gian chờ đợi khách anh cũng có thể chạy Grabfood, không những lợi cho cả tài xế mà còn tiết kiệm chi phí hơn nhiều cho hãng.

Grab đã rất thông minh khi tận dụng được đội ngũ đối tác của chính mình, am hiểu địa bàn, đã trải qua quá trình lái xe kinh nghiệm đường sá, ngõ ngách. Lực lượng xe ôm hùng hậu đã khiến hãng này rất tự tin khi nhắc về tốc độ giao hàng của GrabFood.

Tại buổi ra mắt chính thức dịch vụ ở Hà Nội ngày 2/10, Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim từng tuyên bố tốc độ giao nhận 1 đơn hàng của GrabFood vào khoảng 25 phút, sẽ hướng đến cắt giảm còn 20 phút trong tương lai.

Trước đây, ứng dụng có tên FoodPanda.Vn rất quen mặt và được lòng người dùng khi mới ra mắt nhưng rồi vì hãng đã phải đầu tư mạnh vào đội ngũ giao nhận, trả lương cứng cho họ. Đội ngũ giao hàng rất đông sẽ đáp ứng được nhu cầu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” nhưng lại ngốn một khoản chi phí khá nhiều và lời không đủ lãi. Chính vì thế mà hãng này cũng phải thoái lui cổ phần cho một hãng giao nhận khác.

Giao đồ ăn GrabFood

Now hiện đang là ứng dụng đang rất nổi

Ưng dụng cũng là phần không thể thiếu trong yêu cầu của người dùng. Về khoản này thì có thể cho rằng app của Grab “mượt” và chuyên nghiệp nhất hiện nay. Bởi lấn sân thị trường gọi đồ ăn Việt chưa lâu nhưng Grab đã có thừa kinh nghiệm ở thị trường Indonesia và Thái Lan. Thậm chí, đã có nhiều founder trong lĩnh vực này thừa nhận, họ đã từng phải dừng tăng quy mô để cải thiện công nghệ cho kịp với Grab.

"Nếu như cách đây tầm 4 năm, cuộc chiến khốc liệt của dịch vụ gọi xe bắt đầu nổi lên thì nay là thời điểm đánh dấu cuộc chiến mới trong lĩnh vực gọi món ăn", một đơn vị trong ngành này bình luận.

Theo Mộc Trà/Đô Thị Mới