Chung cư trung cấp đang thống lĩnh thị trường Hà Nội

Trong năm 2020, căn hộ trung cấp dự kiến sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường Hà Nội với các sản phẩm mới từ các khu đô thị. Nhiều sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang dự kiến cũng hình thành tại các khu vực phát triển hiện nay, nhất là các quận ngoại thành.

Các sản phẩm chung cư mở bán trong quý III có 3.500 căn hộ được mở bán mới. Phần lớn các dự án mở bán trong quí là các dự án nhỏ và vừa, nằm ngoài Vành đai 3. Các sản phẩm chung cư mở bán trong quí III chỉ tập trung vào phân khúc trung cấp và bình dân với số lượng tương đối cân bằng,lần lượt là 1.792 căn và 1.711 căn, chiếm tỷ trọng tương ứng 51% và 49% tổng số căn mở bán trong quý.

Nguồn cung căn hộ sẽ có các dự án đầu tư ra vùng ngoại ô (Ảnh:Internet)

Theo CBRE giá bán căn hộ chung cư trong quí III được ghi nhận trung bình ở mức 1.325 USD/m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo trì. Mức này giảm 4% so với cùng kì năm trước. Dự kiến trong năm 2020, nguồn cung căn hộ mở bán mới dao động từ 14.000 - 16.000 căn, cho phép doanh số bán hang bắt kịp nhanh hơn. Mức giá sơ cấp dự kiến ổn định trong quý cuối năm do nguồn cung từ phân khúc trung cấp vẫn thống lĩnh thị trường.

Savills Việt Nam đánh giá, với quy hoạch mở rộng đô thị Hà Nội, nguồn cung căn hộ đã mở rộng từ các quận nội thành ra các huyện ngoại thành. Năm 2016, huyện Hoài Đức và Thanh Trì chỉ chiếm khoảng 10% nguồn cung căn hộ. Đến hết quay II/2020, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì đã chiếm 27% nguồn cung. Tổng số giao dịch tại các huyện này đạt 22% tổng giao dịch trong nửa đầu năm 2020. Ngoài ra Savills Việt Nam cho biết, trong nửa cuối năm 2020, Hà Nội sẽ có 8 dự án được triển khai mở bán hoặc mở thêm giai đoạn tiếp theo, cung cấp gần 1.700 căn, chủ yếu ở huyện Đan Phượng và quận Hà Đông.

Bà Nguyễn Hoài An, giám đốc CBRE Việt Nam chi nhánh Hà Nội kỳ vọng thị trường sẽ có những diễn biến mới trong năm 2021, với các dự án được đầu tư bởi các chủ đầu tư từ miền Nam và các khối ngoại. Hiện thị trường do các nhà đầu tư phía Bắc thống lĩnh.

Tại nhiều địa phương, giá bất động sản được đẩy lên cao

Trong báo cáo Thị trường bất động sản Việt Nam qúy III/2020 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận những điểm nổi bật về giá giao dịch của thị trường các địa phương miền Bắc, miền Trung và miền Nam.


Trước tình trạng quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, giá đất ngày càng tăng cao, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng đầu tư về các tỉnh có tiềm có tiềm năng phát triển kinh tế.

Miền Bắc xuất hiện tình trạng thổi giá đất

Tại miền Bắc, điển hình là Quảng Ninh, mặc dù là thị trường lớn nhưng hiện nay thị trường BĐS Quảng Ninh có dấu hiệu chậm phát triển và ít giao dịch.Trong quý II/2020, Quảng Ninh chỉ ghi nhận khoảng 10 dự án có hoạt động bán hàng tại Hạ Long.

Thị trường Hải Phòng cũng ghi nhận chủ yếu là các dự án đất nền được chào bán trong quý III. Giá bán đất nền tại các dự án trong TP Hải Phòng khoảng 30 triệu đồng/m2.

Đối với phân khúc chung cư, Hội nhận định thị trường vẫn đứng giá, giao dịch chậm. Tại các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, VARs đánh giá nguồn cung đều có sự hạn chế.

Các dự án được các nhà đầu tư quan tâm nhiều là dự án đấu giá đất, những khu đã có sự đầu tư phát triển hạ tầng, giá bán khởi điểm phù hợp.

Miền Trung có tỷ lệ hấp thu tốt

Theo báo cáo của VARs, tại Đà Nẵng, Quảng Nam trong quý III/2020, nguồn cung các dự án đã xong hạ tầng và pháp lý. Tỷ lệ hấp thu đạt hơn 60 % mỗi đợt chào bán.

Tại Nha Trang - Khánh Hòa cũng giống như các đô thị lớn, suốt thời gian từ 2019 đến nay, địa phương nói chung rất hiếm dự án mới được phê duyệt. Thị trường giao dịch ảm đạm, giá đất giảm sâu từ 20 - 30%. Tuy nhiên ở đây vẫn có điểm sáng là các dự án nằm tại những khu vực có quy hoạch phát triển, tiềm năng cao, có giá khởi điểm ở mức thấp.

Ngoài ra, tại Bình Định, đây là khu vực được coi là có sự tăng tốc phát triển hạ tầng mạnh trong giai đoạn 2019 - 2020. Đặc biệt, quý III/2020 đã khởi công hàng loạt dự án công nghiệp và đô thị.

Thị trường BĐS Tây Nguyên đã thực sự sôi động khi xuất hiện những tổ hợp khu đô thị được đầu tư và quy hoạch bài bản, trúng thị hiếu của thị trường.

Giá bất động sản tại một số tỉnh phía Nam ở mức cao

Theo báo cáo của VARs, việc đầu tư Sân bay Long Thành của Chính phủ tại Đồng Nai; TP HCM đề xuất phát triển Thành phố Đông Sài Gòn cộng với hàng loạt cầu đường kết nối không gian phát triển các tỉnh miền Đông Nam Bộ với TP HCM đã tạo nên làn sóng sôi động cho thị trường BĐS các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong thời gian qua.

Đối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, báo cáo của VARs cho hay, sau khi Chính phủ phê duyệt đầu tư hàng loạt tuyến lộ cao tốc cùng với các cây cầu mới nối TP HCM và rút ngắn cự ly, thời gian đến các tỉnh miền Tây đã tạo sự sôi động cho thị trường BĐS một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể tại Cần Thơ, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 nhưng đến cuối tháng 7/2020, thị trường BĐS đã sôi động trở lại.

Tại Long An, các dự án BĐS được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.Đặc biệt Phú Quốc, Kiên Giang đã và đang ghi nhận sự quan tâm mạnh trở lại của các nhà đầu tư.

Hà Nội: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu phố cổ Hà Nội

Sáng ngày 8/10, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long- Hà nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long- Hà Nội.

Khu phố cổ Hà Nội thuộc đại bàn quận Hoàn Kiếm, tọa lạc ở vị trí trung tâm đắc địa của Thủ đô. Tổng diện tích khoảng 100ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường. Trước những thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Trải qua các đợt trùng tu nhưng phố cổ Hà Nội vẫn bảo tồn được nét văn hóa lịch sử.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-Tg, Thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, với các giải pháp quy hoạch theo định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử vốn có.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ đã đạt được những kết quả đồng bộ xong cũng còn không ít những thách thức. Do đó, Hội thảo được tổ chức để tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội. Thực hiện tốt yêu cầu đã nêu trong Luật Thủ đô là “Tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trình bày một số tham luận như: Đánh giá kết quả công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới; Đánh giá vị thế, vai trò khu phố cổ trong Kế hoạch phát triển thành phố; Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn bền vững khu phố cổ; Nâng cao điều kiện sống của người dân;Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể khu phố cổ Thăng Long- Hà Nội; Nâng cao chất lượng thương mại - dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị của ngành nghề truyền thống.

Bên cạnh đó Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến phát biểu làm rõ những kết quả đồng bộ trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ, những thách thức và giải pháp cho công tác này trong thời gian tới.

Kết thúc Hội thảo, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất các giải pháp, chủ động tham mưu cho Thành phố trong công tác bảo tòn, phát huy giá trị lịch sử Khu phó cổ Hà Nội. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy giá trị di sản phi vật thể, phát triển du lịch văn hóa liên kết trong hệ thống di sản Quốc gia. Đồng thời khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật để khu Phố cổ Hà Nội trở thành Trung tâm văn hóa của cả nước.

Theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu Phố cổ Hà Nội năm 2013, một số quy định về việc bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan như sau: Bảo tồn tôn tạo các giá trị về cấu trúc không gian của khu Phố cổ, các công trình di tích tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở truyền thống và các công trình có giá trị xây dựng trước năm 1954; Bảo tồn nhà ở truyền thống theo hình thức và cấu trúc không gian nhà ống, với các lớp công trình có sân trong xen kẽ, có mái dốc lợp ngói; Bảo tồn các không gian, chiều rộng hiện có của các ngõ, ngách, đặc biệt trong khu vực bảo vệ tôn tạo cấp I và các tuyến phố, đoạn phố cải tạo, phục dựng. Nghiêm cấm lấn chiếm không gian ngõ, ngách hoặc xây dựng bịt các khoảng thông tầng, lộ thiên của các ngõ… Bảo tồn không gian phố nghề, phố chuyên doanh, thương mại dịch vụ truyền thống; Bảo tồn tôn tạo không gian cảnh quan, cây xanh trong khu Phố cổ; Cải tạo khu vực lõi bên trong các ô phố, nâng cấp hạ tầng, môi trường sống theo hướng tăng cường không gian mở, bổ sung cây xanh và cải tạo hệ thống hạ tầng; Dỡ bỏ các chi tiết, vật kiến trúc cơi nới, lấn chiếm không gian ngoài chỉ giới đường đỏ, các biển hiệu, biển quảng cáo, vật che chắn cũ, bẩn, tạm bợ và trái với quy định, quy chế…

Về kiến trúc, khu Phố cổ Hà Nội chính là điển hình của nền kiến trúc dân gian Việt Nam với sự kết hợp hài hòa, sinh động của tổng thể kiến trúc và sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, khu Phố cổ thực sự là một sản phẩm du lịch có giá trị cao về kiến trúc vật thể và phi vật thể, là sản phẩm du lịch văn hóa có sức hút đối với du khách trong nước và thế giới. Tuy nhiên những giá trị ấy đang có nguy cơ ngày một mất đi do rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động. Do đó, cần có sự chung tay của cộng đồng, cấp chính quyền quản lý để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu Phố cổ.

Theo Nguyễn Mây (tổng hợp)/Đô Thị Mới