1. Mua điều hòa càng to càng tốt
Nhiều người nghĩ mua điều hòa càng lớn, nhà sẽ càng mát nhanh, đỡ tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, điều hòa công suất lớn lại tiêu thụ lượng điện nhiều không cần thiết, nó cũng loại bỏ được rất ít hơi ẩm, theo greenhouse.
Vì thế, khi mua một chiếc điều hòa, bạn nên xác định nên mua loại nào, công suất bao nhiêu để phù hợp với diện tích nhà bạn.
2. Đặt cục nóng điều hòa không đúng vị trí
Ví trí đặt điều hòa tác động lớn đến hiệu quả của nó, bạn nên lắp ở nơi có ít ánh sáng mặt trời để máy không bị quá nóng, dễ hư hỏng. Vị trí lý tưởng nhất để lắp điều hòa là phía Bắc hoặc Đông nhà bạn.
3. Bật điều hòa 24/24
Khi thời tiết quá nóng, bạn rất dễ mắc phải sai lầm này. Bật điều hòa liên tục cả ngày sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn vì không khí không được lưu thông cũng như độ ẩm trong phòng bị giảm nghiêm trọng.
Để tránh sai lầm này bạn nên tắt điều hòa và sử dụng quạt vào những thời gian không quá nóng trong ngày. Điều này vừa giúp làm không gian phòng thông thoáng hơn vừa giúp tiết kiệm điện năng đáng kể.
Sử dụng điều hòa nhiệt độ kết hợp với quạt sẽ một cách khôn ngoan để tiết kiệm điện năng và đảm bảo sức khỏe khi sử dụng điều hòa vào mùa nóng.
4. Không sử dụng quạt trần
Nhiều người nghĩ có điều hòa rồi không nên sử dụng thêm quạt trần vì sợ tốn điện. Tuy nhiên dùng quạt trần có tác dụng luân chuyển khí lạnh ra khắp phòng nhanh hơn, giúp điều hòa hoạt động hiệu quả. Nó giúp bạn tiết kiệm điện, giảm hao mòn các bộ phận máy điều hòa.
5. Bật, tắt điều hòa nhiều lần
Nhiều người nghĩ tiết kiệm điện bằng cách bật điều hòa đến khi nào phòng mát thì tắt đi, bật quạt cho đỡ tốn, khi nào phòng nóng tiếp tục bật lên. Tuy nhiên cách này lại tiêu tốn điện năng hơn do máy phải khởi động lại nhiều lần, khiến máy hỏng nhanh hơn.
6. Để nhiệt độ quá chênh lệch
Khi mới về nhà bạn thường để nhiệt độ rất thấp để làm lạnh nhanh, việc này khiến điều hòa phải hoạt động hết công suất trong một thời gian ngắn nên tiêu thụ một lượng điện rất lớn.
Việc nhiệt độ thay đổi quá nhanh khiến cơ thể bạn khó thích nghi, có thể dẫn tới các bệnh về đường hô hấp... Bạn cũng dễ bị sốc nhiệt khi nhiệt độ trong nhà và bên ngoài chênh nhau quá lớn.
Theo các chuyên gia, để làm mát phòng, không nên để nhiệt độ dưới 25 độ C.
7. Mở cửa sổ, cửa kính liên tục
Khi đang bật điều hòa, nếu bạn liên tục mở cửa ra vào khiến cho khí lạnh bị thoát ra ngoài nhanh chóng. Khi đó khí nóng tràn vào, điều hòa tiếp tục phải tốn điện năng để làm mát phòng, do đó rất tốn điện.
8. Không vệ sinh hoặc thay bộ lọc khí
Bộ lọc khí là bộ phận giúp loại bỏ bụi bẩn từ không khí vào nhà bạn. Qua thời gian, nó càng trở nên cồng kềnh với lớp bụi bẩn phủ kín, vì thế nó cần được làm sạch hoặc thay thế thường xuyên, để khiến máy chạy tốt, phả hơi lạnh tốt hơn.
9. Không bảo trì điều hòa định kỳ
Đây cũng là một trường hợp sai sót phổ biến trong cách sử dụng điều hòa tại nước ta. Trong điều kiện không khí ẩm, nhiều bụi bặm, điều hòa bị giảm công suất liên tục trong quá trình sử dụng, chủ yếu do bụi bám vào các tấm lọc, cánh quạt, trục quay quạt.
Vì những lý do này bạn cần quan tâm đến việc bảo dưỡng điều hòa của gia đình một cách định kỳ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Thông thường bạn nên bảo dưỡng toàn bộ điều hòa mỗi năm một lần. Bảo dưỡng không chỉ giúp điều hòa vận hành tốt hơn, tiết kiệm điện năng mà còn giúp phòng tránh lỗi có thể xảy ra.
10. Mua điều hòa cũ: Tiết kiệm chi phí
Nhiều gia đình có nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ, nhưng bỏ ra một khoản đầu tư ban đầu để mua máy mới không phải dễ dàng, vì thế họ lựa chọn phương án mua điều hòa đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn khôn ngoan, bởi chi phí tiết kiệm được ban đầu sẽ nhanh chóng bù vào các khoản sửa chữa và chi phí cho mức tiêu thụ điện năng cao nếu bạn mua phải một chiếc điều hòa đã qua sử dụng thời gian dài.
Một chiếc điều hòa cũ sẽ có hiệu suất làm mát không cao vì động cơ yếu, cũ kỹ, nên tiêu hao rất nhiều điện để đạt được nhiệt độ lạnh như mong muốn.
Hơn nữa, hệ thống tản nhiệt của dàn lạnh và dàn nóng không còn tốt như máy mới nên năng suất lạnh cũng sẽ giảm đi. Mặt khác, những loại máy model cũ bản thân nó đã có hiệu suất làm lạnh thấp hơn các dòng máy đời mới và khi đã qua sử dụng thời gian dài thì chắc chắn sẽ có mức hao tổn điện năng sẽ rất lớn.
Cánh quạt của điều hòa nhiệt độ model cũ thường được thiết kế nhỏ và động cơ quạt sau nhiều năm sử dụng cũng yếu hơn nên sẽ không tạo đủ lực đẩy để tỏa không khí lạnh đều khắp phòng.
Điều hòa cũ trong thời gian dài sử dụng cũng dễ gặp trục trặc, hỏng hóc và cần bảo trì liên tục. Những chi phí cho việc nạp gas, bảo trì, sửa chữa, khắc phục các vấn đề hỏng hóc sẽ không phải là nhỏ so với khoản tiết kiệm được do đầu tư ban đầu.