Ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ Fed tuyên bố, tác động của virus Corona sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng nền kinh tế toàn cầu. Sau phiên cắt giảm lãi suất lần đầu tiên của Fed vào hai tuần trước, các ngân hàng trung ương khác cũng rục rịch giảm lãi suất hoặc đưa ra các biện pháp khác để kiểm soát rủi ro phát sinh từ bệnh dịch.

Châu Á, gần với tâm chấn của dịch bệnh, nền kinh tế cũng đang lao đao. Chứng khoán châu Á đã giảm 11% trong tuần trước, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, góp phần làm xói mòn 7,7 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trên toàn cầu.

Thái Lan là một trong các quốc gia đầu tiên cắt giảm lãi suất điều hành ngay từ ngày 5/2 – khoảng một tuần sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán, từ 1,25% xuống còn 1% - mức thấp kỷ lục. Hồng Kông mới đây cũng đã giảm lãi suất 64 điểm cơ bản xuống 0,86%. Việt Nam là quốc gia thứ 5 hạ lãi suất từ tháng 2/2020 đến thời điểm hiện tại. Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành từ 0,5 - 1%, mức lãi suất được cho là thấp kỷ lục.

Có thể nói, tác động tới nền kinh tế Việt Nam của dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng và sâu rộng trong mọi lĩnh vực, từ tài chính, ngân hàng cho đến tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Để bàn sâu thêm những giải pháp cụ thể cho vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, Tiền tệ quốc gia.

Thưa ông, tình hình dịch bệnh hiện nay tác động đến nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Vậy, ông có thể cho biết có giải pháp nào để hạn chế không?

Tác động của Covid-19 hết sức nghiêm trọng. Những ngày gần đây cái nhìn còn có phần xấu đi đối với cả kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam. Tác động này rất đa chiều, lên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề, tác động lên cả tổng cầu, đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu...

Nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi, không dám quyết đổ vào một cái gì, người ta muốn tìm đến hầm trú ẩn tài sản an toàn. Nguồn cung cũng bị ảnh hưởng lớn khi nhiều hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Tất cả những yếu tố này do virus Corona gây ra, vì thế cách giải quyết đầu tiên là ứng phó với dịch bệnh thích đáng, quyết liệt và nhanh chóng.

Chuyện chống dịch không phải chỉ là coi trọng về sức khỏe tính mạng con người mà nó còn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế. Bởi vì không chống dịch thì tất cả những biện pháp "bế quan tỏa cảng", những bất an hoảng loạn trong con người vẫn tồn tại.

Cách giải quyết thứ hai là phải giảm bớt những hiệu ứng, những nhân tố gọi là phi tiền tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này vừa rồi chính phủ Việt Nam kết hợp với người dân thực hiện khá tốt. Chúng ta đã chuẩn bị những tình huống, xây dựng những kịch bản khác nhau kể cả những kịch bản xấu nhất liên quan đến dịch này và các biện pháp ứng phó... có thể chưa hoàn hảo nhưng rất nhanh.

Cho đến chỉ thị 11 đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Chúng ta vẫn tiếp tục xem xét theo dõi hàng ngày để đề ra những biện pháp thích hợp nhất.

Điều thứ ba quan trọng hơn hai điều trên là đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, dòng tiền; giảm gánh nặng doanh nghiệp đang phải chịu để họ có cơ sống, có cơ xử lý, có cơ chờ cho đến khi qua điểm đỉnh của dịch cũng như hết dịch, để họ có thể bứt tốc lại hoạt động của mình. Trong bối cảnh nguy cơ kinh tế thế giới suy thái hiện hữu, trong bối cảnh Fed hạ lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã có phản ứng nhất định, hạ lãi suất để giúp các doanh nghiệp phần nào.

Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới ngày càng lớn. (Nguồn: Shutterstock)

Như vậy có thể nói, các chính sách tài khóa được thực hiện ồ ạt trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là biện pháp tiên quyết để giảm thiểu tác động đối với kinh tế trong thời gian dịch bệnh này không?

Chính sách tiền tệ ở thời điểm này có thể đúng nhưng hiệu quả chưa cao. Ví dụ, vừa rồi, Fed đã hạ lãi suất nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn và thị trường tài chính vẫn đỏ lửa. Có thể chính sách đó chưa thích hợp trong thời điểm này. Hành động hạ lãi suất làm cho người ta nhìn nhận tình hình càng nghiêm trọng hơn. 

Có rất nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, đến kinh tế, tạm gọi không phải là yếu tố tiền tệ. Ví dụ tâm lý hoảng loạn, ví dụ “bế quan tỏa cảng” để ngăn chặn, chống dịch. Nó không phải tiền tệ cho nên độ nhạy của quá trình sản xuất kinh doanh đối với chính sách tiền tệ không cao.

Cái người ta trông chờ hơn là chính sách tài khóa, các gói hỗ trợ ngân sách, liên quan đến thuế má, liên quan đến hỗ trợ trực tiếp. Gánh nặng các doanh nghiệp đang phải chịu là bảo hiểm, là thuế, là phí... thì phải giảm gánh nặng này bằng cách giảm, viện trợ, trì hoãn những loại thuế phí đó.

Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất kịp thời, hạ lãi suất để dần dần có thể ổn định kinh tế vĩ mô và tạo mặt bằng lãi suất. Nhà nước cũng triển khai gói tín dụng hỗ trợ 250.000 tỷ đồng và 30.000 tỷ đồng, được giao cho 2 cơ quan “đầu não” là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Đề án gói hỗ trợ này sẽ triển khai các giải pháp như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, hỗ trợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ...

Liệu có cơ hội nào trong khó khăn để doanh nghiệp bứt phá?

Có ba lĩnh vực có thể biến khó khăn thành cơ hội phát triển:

Thứ nhất là kinh tế số: Trong thời kỳ dịch bệnh, các nhóm ngành vận dụng kinh tế số sẽ hạn chế được giao dịch tiếp xúc, không chỉ là buôn bán mà còn trong giáo dục, y tế, rất nhiều lĩnh vực khác. Kinh tế số hiện nay là xu thế, có dịch Covid-19 hay không có dịch thì chúng ta phải đi vào kinh tế số. Có dịch sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế.

Hai là một số doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu trong ngắn hạn, ví dụ như tiêu dùng. Những mặt hàng này dù có khó khăn đến mấy vẫn phải dùng đến hàng ngày. Do đó, trong ngắn hạn nhu cầu này có thể tăng lên. Rồi thì thiết bị y tế, đảm bảo an toàn vệ sinh như khẩu trang. Đó là những mặt hàng thiết yếu có thể có cơ hội phát triển trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Thứ ba, nhóm ngành về cơ sở hạ tầng xây dựng như sắt thép, sỏi đá, xi măng... Những lĩnh vực sản xuất này có thể sẽ bù đắp cho tăng trưởng của các lĩnh vực khác. Thậm chí, nó còn có thể là đầu kéo cho rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt. Thị trường đầu ra của nhóm ngành này cũng là nền tảng để phát triển trong tương lai.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới