"Người phụ nữ giữ thiên chức làm mẹ vô cùng thiêng liêng và cao cả, tuy vậy cũng vì sứ mệnh đó mà chị em đã phải đối diện với rất nhiều những vấn đề sức khoẻ phức tạp đặc thù", Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện hữu nghị Việt Đức chia sẻ.
Với mong muốn góp một phần nhỏ của mình giúp cộng đồng hiểu hơn để dự phòng những rủi ro sức khoẻ đó, bác sĩ Khánh đã chia sẻ 5 vấn đề sức khỏe thường gặp nhất ở nữ giới để chị em biết cách tự chăm sóc và bảo vệ mình.
Ảnh minh họa
Vấn đề tuyến giáp
Tuyến giáp đóng một vai trò rất lớn trong việc điều khiển các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Tuyến giáp nằm ở trước cổ và có hình dạng giống như loài bướm.
Sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể và mặt giải phẫu cũng như thay đổi sinh lý của nữ giới là nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Cơ thể của nữ giới phải trải qua nhiều thay đổi về nội tiết tố hơn nam giới, do đó, tỷ lệ mắc bệnh của nữ thường cao hơn. Khi cấu trúc hay chức năng của tuyến giáp bị ảnh hưởng sẽ gây ra các bệnh tuyến giáp.
Những tổn thương bao gồm nang giáp, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, ung thư giáp…..
Khi thấy trong người mệt mỏi, hồi hộp, bốc hoả, run tay, rụng tóc, lo âu, mất ngủ, gầy yếu, xạm da… thì hãy đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe.
Đối với phụ nữ từ 20 tuổi trở nên được khuyến khích thăm khám tuyến giáp, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, nếu bạn thấy có những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp thì nên đi khám sớm tại các cơ sở uy tín.
Ảnh minh họa
Vấn đề tuyến vú
Theo bác sĩ Khánh, ung thư vú là một trong những ung thư nguy hiểm và thường gặp hằng đầu ở nữ giới, tuy nhiên đa số các trường hợp nó phát triển âm thầm 1 thời gian chúng ta mới phát hiện ra.
Những chị em có nguy cơ cao bị ung thư vú bao gồm: người có tiền sử gia đình (mẹ, chị em gái bị K vú), vô sinh, không cho con bú, không có con, rối loạn hóc môn sinh dục nữ, áp xe vú cũ..
Lời khuyên của bác sĩ dành cho chị em là tạo thói quen đi khám sản phụ khoa/ung bướu định kỳ hằng năm. Đặc biệt, nếu cảm thấy có dấu hiệu nghi ngờ về sức khỏe thì bạn nên chủ động làm sinh thiết để chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị sớm nhất.
Ảnh minh họa
Vấn đề sản phụ khoa
Ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng là những tổn thương vô cùng nghiêm trọng ở phụ nữ.
Ung thư cổ tử cung có 4 giai đoạn chính và giai đoạn đầu được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ mới hình thành ở lớp bề mặt, chưa phát triển vào sâu trong các mô, hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như: Xuất huyết âm đạo bất thường, tiết dịch âm đạo nhiều, đau vùng chậu và lưng, chu kì kinh nguyệt thất thường, chuột rút và có bất thường trong tiểu tiện
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng gì, vì thế, sàng lọc sớm là cách tốt nhất để phát hiện và chữa ung thư cổ tử cung kịp thời.
Ảnh minh họa
Vấn đề thiếu máu kéo dài
Thiếu máu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gặp nhiều nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và bạn gái trong độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, tùy theo mức độ thiếu máu nhẹ hay nặng mà ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Nguyên nhân thiếu máu có thể do:
Tủy xương không sản xuất máu hoặc máu được sản xuất bị phá hủy...
Cơ thể bị xuất huyết ở vị trí nào đó: Do trĩ, chảy máu dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh, giun sán..
Thiếu máu do thiếu sắt hay gặp ở nữ giới do kinh nguyệt, mang thai, sinh nở. Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ cùng thói quen ăn kiêng cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu ở nữ giới.
Khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, da tái nhợt xanh xao, tức ngực, khó thở, rụng tóc, tê ngứa chân tay... thì nên chủ động đi khám ngay để biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình và điều trị kịp thời.
Ảnh minh họa
Vấn đề thiếu canxi và loãng xương
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu canxi ở nữ giới như do chế độ ăn uống không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết, mãn kinh, sinh đẻ, tuổi tác, sau cắt buồng trứng, điều trị liệu pháp hóc môn..
Loãng xương giai đoạn sớm thường không được chẩn đoán, thường ở dạng tiềm tàng. Bệnh chỉ được phát hiện trên lâm sàng khi hiện tượng gãy xương xảy ra.
Duy trì lượng canxi đầy đủ qua ăn uống là biện pháp hữu hiệu và rất cần thiết để ngăn ngừa tình trạng loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ, đối tượng có nguy cơ loãng xương cao hơn. Cung cấp cho cơ thể một lượng canxi đầy đủ trong suốt cả cuộc đời giúp cho việc xây dựng và gìn giữ sự khoẻ mạnh của xương. Việc bổ sung canxi trong xương phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng mãn kinh, lượng canxi hấp thụ hàng ngày và sự hấp thụ vitamin D của cơ thể.
Canxi tự nhiên chứa nhiều trong các sản phẩm như sữa, pho mát, sữa chua, nước hoa quả, rau xanh, bông cải, các loại hải sản như cá hồi, ngao, sò… Trong đó, nguồn canxi từ sữa và các chế phẩm từ sữa rất tốt trong phòng ngừa loãng xương vì hàm lượng cao và tính dễ hấp thu của nó.