1. Cách đây ít ngày, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã viết một bức thư đẫm nước mắt có tựa đề: “Nhân ơi, xin em đừng chết!”. Nhân là tên một kỹ sư người Việt Nam đang giúp xây dựng trụ sở Đại sứ quán vừa bị mắc Covid-19. Bức thư có đoạn: “Trong 24 giờ qua khi em nằm bất tỉnh, bao mạng người đã phải nằm xuống vì Covid -19. Số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt 345.147 ca với 2.621 người chết. Trong 24 giờ qua cứ 32 giây lại một người chết vì Covid-19”.

Theo như những gì vị đại sứ chia sẻ, Covid-19 không trừ bất kỳ ai, từ gia đình Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác xít cũng có người con trai lớn vừa chết vì Covid-19 đến ngay cả cựu Thủ tướng Momanhat Singh cũng đã bị nhiễm virus Corona dù ông đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.“Em có nghe tiếng khóc của bao người đang chầu chực ở bệnh viện là người thân của họ đang chết vì không thể tiếp cận máy thở ôxy và giường bệnh. Vì thế em không được phép chết để đỡ phí đi một cái giường mà nhờ nó bao nhiêu tính mạng đã có thể được cứu sống” – ông Phạm Sanh Châu viết.

Đọc bức thư của đại sứ Phạm Sanh Châu và chứng kiến hình ảnh Ấn Độ “thất thủ” từ bệnh viện đến lò hỏa táng khiến cho cả những ai có thần kinh thép cũng phải rã rời chân tay. Cái chết do dịch bệnh đến một cách quá kinh khủng với ngay cả một quốc gia có nền y tế phát triển hàng đầu thế giới.

Nó có thể gói gọn trong một dòng chia sẻ cũng đến từ chính đại sứ Phạm Sanh Châu: “Trong cuộc đời của mình kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế”.

2. Cách đây mấy tháng, bóng đá Việt Nam trở lại bằng những khán đài đầy ắp khán giả. Nhiều hãng tin tức lớn trên thế giới đã bày tỏ sự “thèm khát” không khí bóng đá ở dải đất hình chữ S. Nó khác hẳn với việc để duy trì các giải đấu hàng đầu châu Âu, người ta chỉ có thể dùng truyền hình trực tiếp phục vụ tín đồ túc cầu giáo.

Để có được không khí mà thế giới “thèm khát” ấy, Việt Nam đã phải trải qua một cuộc chiến vô cùng cam go, chấp nhận những thiệt hại về kinh tế, ngân sách để đổi lấy cuộc sống an toàn. Mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là một sự lựa chọn không hề dễ dàng nếu không có những bước tính toán phù hợp. Rõ ràng, tính đến thời điểm này, việc khống chế được dịch bệnh và duy trì mức tăng trưởng dương ở Việt Nam đáng được xem là một điều thần kỳ.

Nhưng tự hào không đồng nghĩa với thỏa mãn, chủ quan. Chúng ta chưa thể yên bình nếu thế giới chưa bình an. Cho dù chúng ta có hẳn một phòng tuyến chống dịch từ trung ương đến cơ sở luôn được “cài đặt” sẵn chờ kích hoạt. Bởi đã có quá nhiều bài học đau xót từ sự lơ là, chủ quan, từ ý thức cộng đồng quá kém của một bộ phận người dân. Vậy nên, phải xem những dòng người không đeo khẩu trang chen chúc nhau đi lễ hội hay phải…đứng một chân mới đủ chỗ để ngắm pháo hoa là những “quả bom” dịch bệnh nổ chậm đang treo lơ lửng trong cộng đồng. Khởi động lại du lịch để duy trì phát triển kinh tế là điều cần thiết nhưng chỉ cần một lỗ hổng trên con đường tái thiết ấy, “mục tiêu kép” có thể bị biến thành… mục tiêu duy nhất, ấy là chống dịch.

Tái khởi động du lịch là cần thiết nhưng ý thức phòng chống dịch của người dân phải luôn song hành. Ảnh: M. Hùng
Tái khởi động du lịch là cần thiết nhưng ý thức phòng chống dịch của người dân phải luôn song hành. Ảnh: M. Hùng

3. Sau khi tạm thời khống chế được đợt bùng phát thứ 3 dịch bệnh Covid-19 và quay lại trạng thái bình thường mới, ở một số nơi, người ta đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu nới lỏng các quy định phòng chống dịch. Khái niệm “bình thường mới” đã bị hiểu sai thành… “bình thường”. Các biển hiệu 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) vẫn được trưng lên nhưng dường như đang bị hiểu theo cách tuyên truyền, khuyến cáo hơn là thực hiện. Tựa như dòng chữ “Hút thuốc lá có thể gây ung thư” được ghi rất rõ trên vỏ bao nhưng người hút vẫn mặc nhiên… bay theo làn khói.

Quan sát một số sự kiện tập trung đông người gần đây có thể thấy việc đeo khẩu trang chỉ diễn ra ở phần đầu chương trình khi có sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Hoặc nếu có đeo khẩu trang liên tục cũng chỉ diễn ra ở hàng ghế đại biểu, lãnh đạo. Nghĩa là việc đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người vẫn còn mang nặng tính hình thức, nêu gương, tuyên truyền, chưa trở thành một thói quen, hay một quy định có tính bắt buộc.

Nới lỏng các quy định trong trạng thái bình thường mới không có nghĩa là bỏ đi những quy định có tính bắt buộc để phòng chống dịch mà 5K là một công thức hiệu quả. Có thể tùy từng thời điểm, “K - khoảng cách” và “K - không tập trung” được nới lỏng nhưng “K - khẩu trang”, “K - khử khuẩn”, và “K - khai báo y tế” phải luôn được coi trọng như thời điểm dịch bệnh đang bùng phát.

Chúng ta đã trải qua 3 đợt dịch với quá nhiều bài học đau xót mà chủ yếu đến từ ý thức cộng đồng quá kém người dân, sự lơ là của một bộ phận đội ngũ phòng chống dịch. Trong khi y học còn đang “bó tay” với con virus quái ác Covid-19 thì việc con người chủ động… ra tay, chung tay nâng cao ý thức cộng đồng chính là phương pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.

Theo Quang Duy/congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/5k-khong-chi-la-khau-hieu-post130027.html