Trong giai đoạn 2021-2025, để thực hiện chỉ tiêu giảm tối thiểu 8-10 điểm ùn tắc giao thông mỗi năm, hạn chế các điểm phát sinh mới; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30%-35%... TP Hà Nội đã đưa ra 6 giải pháp trọng tâm, trong đó có những giải pháp mang tính lâu dài, giải pháp có tính thường xuyên, đột phá.
Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 1-12-2015 của HĐND TP về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Kết quả cho thấy, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản hoàn thành theo Nghị quyết đặt ra. Cụ thể, các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2012-2015 đến nay cơ bản hoàn thành; Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, nhiều nút, tuyến đường trước đây từng là điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông đã cơ bản được giải quyết như nút: cầu vượt nút giao Cổ Linh; cầu vượt Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao An Dương, cầu vượt Đại cồ Việt-Trần Khát Chân, nút Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên.
Đồng thời, đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông; Ý thức tham gia giao thông của người dân cũng đã có chuyển biến tích cực; Mạng lưới tuyến buýt được mở rộng vùng phục vụ...
Công tác giải tỏa hành lang ATGT, giải tỏa việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; công tác xử lý các vi phạm về TTATGT được thực hiện, góp phần đảm bảo TTATGT, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút, các tuyến đường.
Từ năm 2016 đến nay đã xử lý được 63 điểm ùn tắc giao thông (phát sinh 49 điểm) là đạt so với yêu cầu chỉ tiêu đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó UBND TP cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Đó là nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các dự án khớp nối hạ tầng giao thông có vai trò giảm thiểu ùn tắc giao thông còn chậm triển khai do thiếu nguồn lực về vốn; nhiều dự án chưa hoàn thành đúng tiến độ do chậm trong công tác giải phóng mặt bằng, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu chung giảm thiểu ùn tác giao thông trên địa bàn Thủ đô. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để sản xuất, kinh doanh gây cản trở giao thông còn diễn biến phức tạp; Việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý điều hành giao thông còn chậm…
Chương trình giảm thiểu ùn tắc giao thông và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 đặt ra một số chỉ tiêu: Hàng năm giảm tối thiểu 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới; Giảm TNGT từ 5%-10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30%-35%; Tỷ lệ đất dành cho giao thông/đất xây dựng đô thị từ 12%-15%...
Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp gồm: Huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo kết nối đông bộ các tuyến vành đai, các trục hướng tâm, các cầu qua sông và các tuyến có tính liên vùng, các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông. Đây là nhóm giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.
Tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp tình hình thực tế giao thông phát huy tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông hiện có (đây là nhóm giải pháp thường xuyên).
Nhóm giải pháp tiếp theo nhằm phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân là phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng như tuyến đường sắt đô thị số 2A, 3.1; đầu tư tuyến đường sắt số 2 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo), tuyên số 5 (Văn Cao-Hòa Lạc) và tuyến 3.2 đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai.
Giải pháp mang tính đột phá là ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý điều hành giao thông và xử lý vi phạm TTATGT.
Nhóm giải pháp căn bản, lâu dài, đảm bảo ATGT bền vững là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL về TTATGT; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, chú trọng đưa chương trình giáo dục về ATGT vào trong hệ thống giáo dục ngay từ các cấp học đầu tiên. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải góp phần nâng cao hiệu quả răn đe các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.