Mặc dù hàng ngày gia đình đều cử người thay nhau đến lớp cùng con để nhắc con tập trung và trông chừng không cho con quậy phá nhưng cô giáo vẫn luôn than phiền về kết quả học tập cũng như sự “vô kỷ luật” của con khiến chị H. luôn ám ảnh về những cuộc họp phụ huynh.
Nhớ lại quãng thời gian đầy cô độc chiến đấu với chứng tăng động của con, chị H. (ở Hà Nội), có con 7 tuổi mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHA) tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân ADHA lần 3-2019 chia sẻ: Gia đình nhận ra những biểu hiện bất thường của cháu từ năm 4 tuổi, đến khi cháu bắt đầu đi học, các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn.
Gia đình đã đưa cháu đi khám chuyên khoa Tâm thần Nhi tại Hà Nội và được chẩn đoán mắc chứng tăng động giảm chú ý. Kể từ đó, tôi phải đối mặt với những tháng ngày dài với một cuộc chiến, với những lúc cô độc, những lúc hoang mang và cả sự tủi hổ…
“Tôi rất sợ những buổi họp phụ huynh khi phải đối diện với sự phàn nàn của cô giáo và những cái nhìn kỳ thị từ các phụ huynh khác. Mặc dù theo yêu cầu của nhà trường, gia đình đã thay nhau cử một người hàng ngày cùng lên lớp để nhắc nhở con tập trung và trông chừng không cho con quậy phá. Nhưng sau rất nhiều nỗ lực, cô giáo vẫn luôn than phiền về kết quả học tập cũng như sự “vô kỷ luật” của con”, chị H. nhớ lại.
Thế rồi, qua một người bạn chia sẻ, chị H. đã biết đến Câu lạc bộ bệnh nhân tăng động giảm chú ý của Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ngay lập tức, chị H. đã đăng ký tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ và được các chuyên gia hướng dẫn những kiến thức, sự lưu ý, sự kiên nhẫn trong chăm sóc và điều trị cho trẻ.
|
“Tôi cảm thấy thật may mắn khi được tham gia câu lạc bộ và được các bác sỹ tư vấn, giải đáp thắc mắc trong vấn đề sử dụng thuốc điều trị cho con. Cảm ơn các thầy thuốc nơi đây đã tổ chức một sân chơi đầy ý nghĩa để những người có con, em bị tăng động giảm chú ý như chúng tôi tìm được nơi chia sẻ, học hỏi các kiến thức về chăm sóc và điều trị bệnh.
Sau hơn hai năm đơn độc trong cuộc chiến nuôi dạy và chạy chữa cho con, tôi thấy mình được hiểu, được thông cảm, được có người đồng hành”, chị H. bày tỏ.
Theo các bác sỹ, ADHD là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Trẻ mắc ADHD thường gặp nhiều khó khăn trong phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp cũng như phát triển cảm xúc và các kỹ năng xã hội.
Nếu không được điều trị kịp thời, hậu quả của ADHD có thể tồn tại tới tuổi trưởng thành với các triệu chứng giảm chú ý gây khó khăn trong phát triển nghề nghiệp, giao tiếp và tổ chức cuộc sống hay những rối loạn hành vi có thể dẫn tới lạm dụng chất gây nghiện, đua xe, các rắc rối pháp luật, ảnh hưởng đến nhân cách và rất dễ bị tổn thương.
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng sàng lọc sớm bệnh lý ADHD cũng như cung cấp các kiến thức đúng đắn trong chăm, sóc điều trị tới những gia đình có con mắc chứng này, từ đầu năm 2019 đến nay, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã liên tục tổ chức 3 kỳ sinh hoạt câu lạc bộ với nhiều chủ đề thiết thực.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/am-anh-voi-nhung-cuoc-hop-phu-huynh-vi-con-mac-benh-155860.html