Trên thực tế việc phân biệt nấm độc với nấm thường cũng không hề dễ dàng, có những loại nấm độc rất giống hệt nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được, khiến người đi hái nấm bị nhầm. Ngoài ra, lượng chất độc trong các bộ phận của cây cũng khác nhau tùy theo mùa.
Ngộ độc nấm thường xảy ra ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Do tập quán đi rừng hái rau rừng, nấm rừng về ăn, bà con hái phải nấm hoang dại, có chứa độc tố, nên khi ăn thường cả gia đình đều bị ngộ độc.
Khi ăn phải nấm độc, nạn nhân thường có biểu hiện chóng mặt buồn nôn, co giật, tiêu chảy, rối loạn thần kinh, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương… Tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm lên tới 50%, đã có trường hợp tử vong cả gia đình sau khi ăn phải nấm độc.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm như nôn mửa thì ngay lập tức phải chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời.
Nếu có những triệu chứng ngộ độc nặng cần chuyển nạn nhân đến Bệnh viện để các bác sĩ rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm. Cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng cũng nên đến cơ sở y tế. Ngoài ra, nên mang theo mẫu nấm hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để xác định sơ bộ loài nấm.
Để phòng tránh ngộ độc nấm, người dân tuyệt đối không nên ăn nấm lạ, nấm hoang dại, chỉ sử dụng khi chắc chắn biết đó là nấm ăn được. Nấm nên được rửa sạch và nấu ăn ngay sau khi hái về, không để ôi, dập nát, không ăn nấm bị thối rữa...
Để biết được đó có phải loại nấm độc hay không, mời độc giả xem clip nhận biết nấm độc sau: