Vừa qua, Bộ Y Tế đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia Sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2017/BYT). Điểm nổi bật của quy chuẩn này là xóa bỏ tên gọi “sữa tiệt trùng” gây nhầm lẫn trước đây và thay thế bằng khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp”.

Vậy làm thế nào phân biệt được các khái niệm và lựa chọn loại sữa phù hợp cho gia đình? Để làm rõ vấn đề này, PV tieudungplus đã có buổi phỏng vấn với Ths.Bs.Lê Thị Hải, giám đốc Viện dinh dưỡng Quốc gia và nhận được lời giải đáp khá rõ ràng.

Ảnh: Ths.Bs.Lê Thị Hải

Ảnh: Ths.Bs.Lê Thị Hải

Thưa bác sỹ, theo thông tư về Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng do BYT ban hành, khái niệm “sữa tiệt trùng” được các doanh nghiệp và hiệp hội thống nhất bãi bỏ, phân loại mới sẽ chia thành 3 nhóm sữa rõ ràng: Sữa tươi, Sữa hoàn nguyên- sữa hỗn hợp, Sữa cô đặc và cô đặc có đường. Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn khá mơ hồ về các loại sữa, bác sĩ có thể làm rõ hơn về các khái niệm và cách giúp người tiêu dùng có thể phân biệt các loại sữa ấy?

Trước đây, khi nói đến sữa tươi người tiêu dùng thường nghĩ đến “sữa thanh trùng” và “sữa tiệt trùng”, tuy nhiên “sữa tiệt trùng”lại không hoàn toàn là sữa tươi, mà có thể là sữa hoàn nguyên.

Các loại sữa trên thị trường

Sữa tươi. Để hiểu về sữa tươi trước hết người tiêu dùng cần hiểu thế nào là sữa tươi nguyên liệu. Sữa tươi nguyên liệu là sản phẩm sữa được vắt trực tiếp từ động vật có vú như bò, dê…không qua bất kì một công đoạn chế biến nào. Sữa tươi nguyên liệu sau khi trải qua quá trình thanh trùng/tiệt trùng đảm bảo vệ sinh sẽ tạo thành sữa tươi nguyên chất.

Người tiêu dùng cần phân biệt kĩ giữa sữa tươi nguyên chất và sữa tươi. Cũng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu nhưng sữa tươi có thể tách béo hoặc bổ sung thêm các vitamin để đa dạng đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, quá trình đó không làm thay đổi giá trị dinh dưỡng của sữa và vẫn giữ thành phần sữa tươi nguyên liệu tối thiểu 90%. 

Sữa hoàn nguyên: Là sữa dạng lỏng nhưng không phải là sữa tươi, được chế biến từ sữa bột hoặc sữa đặc bổ sung thêm một lượng nước cần thiết theo tỉ lệ, đã qua thanh trùng/tiệt trùng.

Sữa hỗn hợp: Là sản phẩm được chế biến từ hỗn hợp sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm sữa hoặc các thành phần của sữa hoàn nguyên, được bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất.

Sữa cô đặc: Là sữa tươi nguyên chất được tách nước cô đặc lại. không thêm bất kì thành phần nào khác. Khác với sữa đặc có đường, được sản xuất từ sữa tươi hoặc sữa bột pha nước bổ sung thêm đường, sau đó cô đặc.

Để phân biệt các loại sữa, trước tiên người tiêu dùng cần phải có kiến thức đầy đủ, hiểu về bản chất các loại sữa, đồng thời phải đọc kĩ nhãn mác và thành phần sữa trước khi lựa chọn.

Cách lựa chọn các loại sữa

Với ma trận sữa trên thị trường, nhiều người tiêu dùng vẫn không biết làm thế nào lựa chọn loại sữa phù hợp với thể trạng của mình, vậy bác sĩ có thể tư vấn cho người tiêu dùng cách lựa chọn, sử dụng loại sữa sao cho phù hợp với từng đối tượng?

Đối với các loại sữa nước: Theo đặc điểm nổi bật và quy trình sản xuất không thêm bớt bất kì thành phần nào, sữa tươi nguyên chất giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng. Còn sữa tươi có thể bổ sung một số vitamin, phù hợp với từng  đối tượng cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng.

Sữa hoàn nguyên do đã qua quá trình cô đặc với nhiệt độ cao, ít khả năng nhiễm khuẩn nên phù hợp với những người mắc bệnh về đường ruột và tiêu hóa, không sử dụng được sữa tươi.

Trong khi đó, sữa cô đặc ko có quá nhiều đường, phù hợp với những người mắc bệnh béo phì và tiền đái tháo đường.

Sữa đặc có đường lại chủ yếu để sản xuất bánh kẹo, làm sữa chua…thuận lợi cho quá trình vận chuyển cho nhà sản xuất, tuy nhiên người tiêu dùng nên hạn chế, nhất là với trẻ em bởi hàm lượng đường trong sữa cô đặc có đường cao, để đủ độ ngọt sử dụng thì người dùng phải pha chế với nước, như vậy hàm lượng đạm trong sữa sẽ giảm.

Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo các bà mẹ cho con bú thì không nên sử dụng sữa đặc có đường nhiều vì sẽ làm tăng hàm lượng đường trong máu mẹ, dễ gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em.

Với các bà mẹ nuôi con nhỏ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nuôi con bằng sữa mẹ đến năm 2 tuổi, nếu có sử dụng sữa thì hãy dùng sữa bột công thức, không dùng các loại sữa nước sản xuất trực tiếp trước cho bé dưới 2 tuổi.

Từ góc độ chuyên gia, có nhiều năm quan sát và nghiên cứu thị trường sữa VN, bác sĩ cho rằng sự thay đổi các khái niệm sữa như vậy là yếu tố tích cực hay tiêu cực? cụ thể với các đối tượng chính như: người tiêu dùng; doanh nghiệp sản xuất; cơ quan quản lý?

Theo tôi sự thay đổi này mang yếu tố tương đối tích cực bởi nếu phân biệt được rõ ràng tên gọi các loại sữa thì người tiêu dùng cũng sẽ hiểu rõ được tác dụng của từng loại sữa để chọn cho phù hợp.

Thông tư cũng đã quy định rõ ràng về các chỉ tiêu vi sinh vật, các thành phần yêu cầu trong từng loại sữa, như vậy cơ quan quản lí cũng có các tiêu chí rõ ràng để kiểm tra, tránh được hành vi gian lận của xí nghiệp, nhà sản xuất.  

Theo bác sĩ, người mua cần trang bị những kiến thức như thế nào để có lựa chọn hợp lí cho gia đình?

Muốn có những kiến thức về các loại sữa, trước tiên người tiêu dùng cần đọc kĩ quy chuẩn, tìm hiểu rõ các khái niệm sữa để trang bị kiến thức cụ thể cho mình một cách hợp lí.

Với người tiêu dùng bình thường, chúng ta có thể lựa chọn sữa theo các tiêu chí trên, nhưng với một số người có vấn đề về dinh dưỡng: gầy, béo, rối loạn chuyển hóa, huyết áp, mỡ máu…khi muốn sử dụng bất kì loại sữa nào thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để chọn được loại sữa phù hợp, tốt cho sức khỏe.

Theo Nguyệt Linh/Reatimes