Giá nhà tại Hà Nội và TP HCM vẫn tăng giữa "tâm dịch" Covid-19

Dữ liệu thị trường bất động sản tháng 1/2021 mới được công bố bởi Batdongsan.com.vn cho thấy nghịch lý giữa nhu cầu và giá nhà bất động sản trong giai đoạn xuất hiện làn sóng thứ 3 của Covid-19. 

Cụ thể, trước khi các ca nhiễm Covid-19 mới được công bố vào sáng 28/1 và trước thời gian Tết 30 ngày, mức độ quan tâm tới bất động sản được ghi nhận tăng đáng kể. Lượt tìm kiếm bất động sản trong 30 ngày trước Tết Nguyên đán 2021 tăng tới 13% so với cùng kỳ trước Tết năm 2020, thời điểm khi chưa có dịch Covid-19 xuất hiện. Trong đó, loại hình đất nền, đất thổ cư được quan tâm nhiều nhất với mức tăng 33,7%.

Bước sang tháng 1/2021, thị trường Hà Nội và TP.HCM có mức độ quan tâm giảm so với tháng 12/2020 do ảnh hướng của yếu tố mùa vụ và dịch bệnh. 

Tại Hà Nội, đối với các bất động sản bán, một số loại hình như nhà riêng, mức độ quan tâm giảm 13%; chung cư giảm 10% và đất nền giảm 8%. Bất động sản cao cấp là loại hình duy nhất có mức độ quan tâm tăng 3% so với tháng liền kề trước đó. Cùng với đó, lượng tin đăng phản ánh nguồn cung cũng giảm tới 21% so với tháng 12/2020, trong đó, nhà riêng và chung cư có lượng tin đăng bán giảm mạnh nhất. 

Song song với việc mức độ quan tâm giảm, lượng tin đăng bán đại diện cho nguồn cung cũng giảm tới 21% so với tháng 12/2020. Tuy vậy, giá nhà ở Hà Nội tiếp tục có xu hướng tăng 0,3% theo tháng và tăng 3,5% theo năm. 

Tương tự, tại TP.HCM, mức độ quan tâm chung cư bán trong tháng 1/2021 giảm 8%, nhà riêng bán giảm 9% so với tháng 12/2020. Một số khu vực như TP. Thủ Đức vẫn duy trì mức độ quan tâm ổn định trong tháng 1/2021.

Đối với bất động sản cho thuê, lượng tin đăng cho thuê cũng sụt giảm mạnh ở phân khúc chung cư, ngược lại, nhu cầu quan tâm bất động sản cho thuê lại tăng mạnh ở phân khúc này.

Đẩy nhanh tiến độ kiểm kê đất đai

Phó Thủ tướng yêu cầu công bố số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 trước Quý II năm 2021.

Về việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương có khó khăn, không tự cân đối được kinh phí để thực hiện công tác kiểm kê đất đai năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Theo báo cáo tính đến ngày 31/7/2020, số đơn vị cấp xã đã cơ bản hoàn thành đạt 93%; số đơn vị thực hiện cấp huyện đã cơ bản hoàn thành đạt 77%. Ở cấp tỉnh đến nay, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã nhận được kết quả kiểm kê chính thức của 10 tỉnh.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ tình hình thực tế, chủ động đẩy nhanh tiến độ kiểm kê đất đai
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ tình hình thực tế, chủ động đẩy nhanh tiến độ kiểm kê đất đai

Trên hệ thống phần mềm TK Online tính đến ngày 11/8/2020 mới có 33 tỉnh, thành phố đã đưa toàn bộ dữ liệu kiểm kê cấp xã lên hệ thống.

Theo Tổng cục Quản lý Đất đai, nguyên nhân của việc chậm hoàn thành công tác kiểm kê là do các địa phương chậm phê duyệt dự toán kinh phí; nhiều địa phương có khó khăn về kinh phí và chờ kinh phí hỗ trợ từ trung ương nên chưa phê duyệt dự toán, dẫn tới việc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện chậm trễ; việc bố trí kinh phí nâng cấp phần mềm kiểm kê còn thiếu, còn chậm.

Cùng với đó, nhiều địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021 nên ảnh hưởng tới tiến độ công tác này./.

Việt Nam sẽ có thêm 3 khu công nghiệp tổng diện tích gần 666 ha, vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng

Theo Báo đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Cổ Chiên tại xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh; quy mô sử dụng đất 199,98 ha với tổng nguồn vốn đầu tư là 748,98 tỷ đồng; trong đó vốn góp của Nhà đầu tư (Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển và đầu tư hạ tầng Trà Vinh) là 112,35 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Tân Đức được Thủ tướng Chính phủ quyết định với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận với quy mô 300 ha, do Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư.

Việt Nam sẽ có thêm 3 khu công nghiệp tổng diện tích gần 666 ha, vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng
Việt Nam sẽ có thêm 3 khu công nghiệp tổng diện tích gần 666 ha, vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Sông Lô II, với quy mô 165,655 ha tại xã Đồng Thịnh và xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án trên do Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.520 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh gồm Trà Vinh, Bình Thuận, Vĩnh Phúc đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo việc triển khai dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khu vực nội đô Hà Nội sẽ có quy hoạch phân khu, sau gần 10 năm chờ đợi

Dự kiến, 6 quy hoạch này sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tuần tới để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý I/2021. Thường trực Thành ủy cũng nghe báo cáo về Quy hoạch phân khu sông Hồng và góp ý các chủ trương, định hướng lớn vào bản dự thảo Quy hoạch; giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục trình Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để thống nhất các nội dung quan trọng trước khi phê duyệt.

Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Khu vực nội đô Hà Nội sẽ có quy hoạch phân khu
Khu vực nội đô Hà Nội sẽ có quy hoạch phân khu

Trong khi đó, Quy hoạch phân khu sông Hồng cũng có bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ.

Bên cạnh việc thống nhất chủ trương, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với những kết quả đến thời điểm này, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và các Sở, ngành liên quan đã cho thấy nỗ lực rất lớn để hoàn thành những đồ án quy hoạch khó và được dư luận cán bộ, nhân dân chờ mong. Đồng chí Bí thư Thành uỷ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các Sở, ban, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được sớm hoàn thiện các phần việc còn lại để phê duyệt ban hành các đồ án quy hoạch, tạo cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, đem lại sinh kế cho người dân.

Đại diện duy nhất của Việt Nam được thế giới vinh danh thành phố thông minh tiêu biểu

Bình Dương là tỉnh duy nhất của Việt Nam được tổ chức thế giới ICF vinh danh thành phố thông minh tiêu biểu năm 2021.

 

Như vậy, đây là lần thứ 3 liên tiếp, Bình Dương được vinh danh là một trong các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới năm 2021 (lần đầu tiên là năm 2019).

"Vùng thông minh Bình Dương" là một thuật ngữ được sử dụng thời gian gần đây, gắn với đề án xây dựng "thành phố thông minh" đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thông qua. Vùng thông minh Bình Dương lấy nòng cốt là một số địa phương phát triển kinh tế xã hội mạnh của tỉnh, được quy hoạch bài bản, gồm: thành phố Thủ Dầu Một (bao gồm cả khu vực "thành phố mới"), TP Dĩ An, TP Thuận An, TX Tân Uyên, TX Bến Cát.

Tại Bình Dương, Đề án thành phố thông minh được khởi động từ năm 2016. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa "ba nhà" gồm: nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp.

Đề án phát triển của Bình Dương được sự phối hợp, hỗ trợ của thành phố kết nghĩa là Eindhoven (Hà Lan). Ngoài ra, Bình Dương cũng mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và các thành phố phát triển khác của thế giới như Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ thế giới, thành phố Daejeon (Hàn Quốc).

Vị trí màu đỏ là nơi Bình Dương xây dựng trung tâm thương mại thế giới
Vị trí màu đỏ là nơi Bình Dương xây dựng trung tâm thương mại thế giới

Bình Dương là tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài dẫn đầu cả nước và chỉ đứng sau 2 thành phố TP.HCM, Hà Nội. Tính đến cuối năm 2020, Bình Dương có 3.909 dự án với tổng vốn đầu tư 35,2 tỷ USD và 47.583 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 424 nghìn tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư này góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, đưa công nghiệp - dịch vụ chiếm đến 89,31% trong cơ cấu kinh tế, giúp thu ngân sách tăng bình quân hằng năm đạt 11,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng vào năm 2020, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.

Bình Dương được tổ chức thế giới đánh giá cao việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế. Địa phường này đang triển khai thực hiện dự án Trung tâm thương mại thế giới tại Bình Dương được quy hoạch trên khu đất rộng gần 24ha, gầnTrung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương.

Trung tâm này sẽ kết nối giao thông tuận tiện với các vùng của tỉnh Bình Dương và kết nối với TP.HCM (dự kiến nhà ga trung tâm của các tuyến buýt nhanh, metro cũng sẽ được đặt tại đây). Trung tâm còn bao gồm nhiều công trình phức hợp như tòa nhà văn phòng, triển lãm hội nghị, khu mua sắm, khách sạn, giải trí.

Theo An An (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-day-nhanh-tien-do-kiem-ke-dat-dai--20201231000001070.html