Sở Xây dựng TP HCM liên tiếp cấp phép xây dựng trái luật
Theo Reatimes, ngày 29/10/2020, Thanh tra Thành phố đã ban hành văn bản số 83/TB-TTTP-P3 kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện Dự án nhà ở tái định cư kết hợp kinh doanh tại phân khu số 11B đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Theo đó, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót từ khi chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư dự án, thể hiện sự thiếu trách nhiệm chủ đầu tư và sự thiếu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, Thanh tra TP HCM chỉ ra nhiều sai sót của Sở Xây dựng TP HCM. Theo đó, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 79/GPXD ngày 7/6/2016 khi Công ty Đông Mê Kông chưa duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phân khu 11B1 thuộc khu dân cư Đông Mê Kông, chưa được cơ quan có thẩm quyền bàn giao đất trên thực địa, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được UBND huyện Nhà Bè điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư Đông Mê Kông.
Sau đó, Sở Xây dựng tiếp tục cấp giấy phép xây dựng số 158/GPXD ngày 20/9/2016 khi Công ty Đông Mê Kông chưa thực hiện các nội dung ghi tại giấy phép xây dựng số 79/GPXD trên. Thanh tra TP HCM cho rằng hành vi này vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình, chưa đúng quy định tại Khoản 1, 3 Điều 91, Khoản 2 Điều 95 và Khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 và văn bản số 6462/UBND-ĐTMT ngày 14/12/2010 của UBNDTP.HCM. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Sở Xây dựng được phân công tại thời kỳ có liên quan.
Trước đó, Thanh tra TP HCM cũng chỉ ra các sai phạm tại dự án Trung tâm thương mại Bình Đăng (SaiGon SkyView), do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 (Công ty con của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Thanh tra TP HCM kết luận dự án SaiGon SkyView được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 22/GPXD ngày 30/1/2018 (giai đoạn 1 - phần ngầm) khi Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hợp pháp theo quy định của Luật Đất đai. Không chỉ vậy, tại dự án này, Sở Xây dựng ban hành quyết định số 161 năm 2009 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng (miễn giấy phép xây dựng) không đúng thẩm quyền.
Đến năm 2025, Hà Nội dự kiến đầu tư 90.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
hương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 28/11/2014, UBND Thành phố đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 6336/QĐ-UBND.
Cụ thể, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 khoảng 6,2 triệu m2 sàn. Đến nay, Thành phố đã triển khai được 62 dự án (gồm: 59 dự án nhà ở xã hội và 03 dự án nhà ở thương mại có dành diện tích sàn nhà ở xã hội) với khoảng 4,04 triệu m2 sàn. Dự kiến, kế hoạch giai đoạn 2021-2025 Thành phố cần đầu tư xây mới khoảng 5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (đã bao gồm nhà ở cho công nhân). Như vậy, đến năm 2025, thành phố cần đầu tư xây dựng mới khoảng 7,22 triệu m2 sàn tương ứng với số vốn đầu tư khoảng 90.000 tỷ đồng.
Theo ông Chu Nguyên Thành - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, Quỹ đã giải quyết cho vay 04 dự án, trong đó có 02 dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư và 02 dự án nhà xã hội với tổng quy mô 3.450 căn với 337 nghìn m2 với tổng hạn mức cho vay 850 tỷ đồng. Hiện, Quỹ tiếp tục hướng dẫn, thẩm tra cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, sẽ giải quyết cho vay khoảng 350 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 600 tỷ đồng.
Một trong các nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng của các dự án nhà ở xã hội đó là khó khăn về nguồn vốn. Vì vậy, căn cứ Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, để hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện dự án, tiến tới thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển Nhà ở xã hội quốc gia, UBND thành phố Hà Nội đã đưa các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội vào danh mục lĩnh vực đầu tư ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2020 và là đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố.
Quỹ sẽ chủ động tiếp cận, làm việc với các chủ đầu tư để tìm hiểu nhu cầu, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn, rút gọn quy trình và thời gian thẩm tra, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội đúng tiến độ…
Hơn 3,4 triệu m2 sàn nhà ở hoàn thành trong 10 tháng
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 10 tháng năm 2020, trên địa bàn thành phố đã có 41 dự án nhà ở hoàn thành, tương ứng với hơn 3.411.322m2 sàn nhà ở, gần 26.000 căn hộ.
Cụ thể, đã có 2 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với 254.404m2 sàn (1.860 căn hộ); 38 dự án nhà ở thương mại với 3.083.652m2 sàn (23.333 căn hộ); 1 dự án nhà ở tái định cư với 73.266m2 sàn (750 căn hộ).
Lượng căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như: Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông...
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng tỷ lệ hấp thụ phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%. Lượng cung căn hộ cao cấp mới tung ra thị trường cũng rất hạn chế, bởi tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này đang ở mức rất thấp (khoảng 10%).
So với cùng kỳ các năm 2018, 2019, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm căn hộ mới chào bán quý III/2020 tại Hà Nội giảm mạnh. Lượng giao dịch chỉ đạt 15,7% so với quý III/2018 và 28,1% so với quý III/2019.
Về giá bất động sản, chưa thấy hiện tượng dự án bất động sản công bố giảm giá; có hiện tượng tặng quà khủng và khuyến mại lớn ở một số dự án để kích cầu thay vì giảm giá sản phẩm. Cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang; phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3-5%.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai cho 36 dự án nhà ở với tổng số 19.451 căn hộ, tương ứng khoảng 1.603.007m2 sàn kinh doanh.
Đồng thời, Sở Xây dựng cho biết, Sở này đang tập trung tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 theo Chương trình phát triển nhà ở đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, hồi tháng 7/2020, Sở Xây dựng công bố danh sách 33 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai nằm tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức.
Tăng cường quản lý hoạt động đấu giá tài sản
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đấu giá tài sản trong một số trường hợp vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém. Cụ thể, việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát với giá thị trường. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, còn trường hợp lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản “sân sau” để đấu giá. Việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, thậm chí có biểu hiện buông lỏng. Chất lượng, năng lực của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế; xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá, băng nhóm “xã hội đen” gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa phương.
Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực chưa được rà soát, sửa đổi kịp thời nên còn chồng chéo, mâu thuẫn. Việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm. Một số cơ quan, người có tài sản đấu giá còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát xử lý tài sản, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Tình trạng thông đồng, dìm giá, dàn xếp kết quả, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, phức tạp, khó phát hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên, việc xử lý chưa mang tính răn đe cao.
Để tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, đồng thời để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản và hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu giá tài sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ.
Theo đó, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp về đấu giá tài sản; đảm bảo giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp tình hình thực tiễn; đấu tranh với nhóm lợi ích chi phối các cuộc đấu giá và chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức đấu giá tài sản.