Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê trong quý một, hơn 112.000 bệnh nhân sởi từ 170 quốc gia và số bệnh nhân sởi thực tế của năm 2019 có thể lớn hơn rất nhiều bởi chỉ khoảng một phần mười được báo cáo.
Virus sởi dễ dàng lây lan, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, thậm chí gây tử vong.
WHO cảnh báo mọi khu vực trên thế giới đều đang đối mặt với dịch sởi. Trong đó, Ukraine, Madagascar và Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tỷ lệ bệnh nhân sởi lên tới hàng chục nghìn trên một triệu người. Tính từ tháng 9/2018 đến nay, ít nhất 800 người Magadascar đã chết vì dịch sởi.
Dịch sởi còn tấn công Brazil, Pakistan và Yemen, dẫn đến nhiều cái chết mà chủ yếu là trẻ em. Tại châu Phi, số bệnh nhân tăng đến 700% so với năm 2018. Những nước vốn đảm bảo tỷ lệ tiêm vắcxin cao như Mỹ và Thái Lan cũng có sự gia tăng bất thường số ca sởi.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Một người có thể nhiễm virus sởi trong vòng hai giờ đồng hồ sau khi một người mắc bệnh sởi ra khỏi căn phòng. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vắc xin. Một khi người bệnh đã bị nhiễm sởi, thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể nào cho bệnh này, do vậy tiêm phòng vắc xin là biện pháp để cứu mạng sống cho trẻ em.
Tiêm vắcxin là phương pháp hiệu quả nhất để phòng tránh sởi. Để bảo vệ cộng đồng, tỷ lệ tiêm vắcxin sởi cần đạt đến 95% dân số. Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc, mức độ tiêm phòng của thế giới hiện ở 85%.
Trên CNN, đại diện WHO là bà Henrietta Fore và ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết "sự phổ biến của thông tin sai lệch về vắcxin" là nguyên nhân hàng đầu khiến người mắc bệnh sởi tăng cao.
Trước đó, ngày 1/3, UNICEF đã đưa ra cảnh báo dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động, đặc biệt tại 10 quốc gia, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74 % tổng số ca nhiễm mới, và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố loại bỏ được căn bệnh này.
Các quốc gia có mức độ tăng ca nhiễm sởi cao nhất trong 2 năm 2017 và 2018:
1.Ukraine: 30,338
2. Philippines: 13,192
3. Brazil: 10,262
4. Yemen: 6,641
5. Vê-nê-zuê-la: 4,916
6. Serbia: 4,355
7. Madagascar: 4,307
8. Xu-đăng: 3,496
9. Thái Lan: 2,758
10. Pháp: 2,269
Ukraine, Philippines và Brazil là ba quốc gia tăng số ca nhiễm sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018. Chỉ tính riêng ở Ukraine, năm 2018 đã có 35.120 ca mắc sởi. Theo Chính phủ nước này, 24.042 người nữa đã nhiễm sởi trong hai tháng đầu năm 2019. Tại Philippines trong năm nay đã có 12.736 ca nhiễm sởi và 203 ca tử vong, so với 15.599 ca trong năm 2018.
Nguyễn Sinh